MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động miệt mài trên công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Lục Tùng LDO | 06/09/2020 10:19

Với quyết tâm hoàn thành sớm so với kế hoạch để kịp đưa vào vận hành phục vụ nhu cầu đa mục tiêu của người dân trong vùng đất gần 400.000ha của Bán đảo Cà Mau, hàng trăm lao động trên công trình Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) đã miệt mài làm việc để công trình hoàn thành kịp tiến độ.

Công trình Dự án Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là Hợp phần xây dựng, gồm: Cống Cái Lớn, cống Cái Bé; đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61 và mô hình sinh kế... do Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.309.500.000.000 đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Phối cảnh Công trình Cái Lớn.
Công trình có chức năng kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng đất tự nhiên 384.120 ha khu vực Bán đảo Cà Mau. Theo kế hoạch, công trình được thi công trong 25 tháng, hoàn thành, đưa vào sử dụng vào 31.12.2021.Tuy nhiên, với ý nghĩa phục vụ nhu cầu cấp bách và lâu dài cho cuộc sống của hàng ngàn hộ dân, cơ quan chủ quản đã phát động toàn thể công nhân lao động nỗ lực hoàn thành công trình sớm hơn thời gian kế hoạch 1-2 tháng.
Vì vậy, các đơn vị quản lý, thi công công trình phải huy động tối đa các thiết bị hiện đại để hỗ trợ.
Bên cạnh đó phát động toàn thể người lao động bám sát công trình làm việc với tinh thần hăng say, làm việc liên tục ngay cả trong những ngày nghỉ, ngày lễ...
Xác định đây là môi trường làm việc đặc thù, nên lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm trang bị đến bảo hộ lao động.
Đặc biệt hơn là trang bị tối đa các dụng cụ, thiết bị đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc trên các công trình trên cao.
Với tinh thần đó, đến nay dù chỉ mới trải qua 40% thời lượng làm việc, nhưng tiến độ thi công đã đạt trên 50% khối lượng công việc. Công trình này kết hợp với tuyến đê biển tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng... Qua đó góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn