MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lày cỏ - Trò chơi dân gian lưu giữ bản sắc văn hoá

Sơn Việt - Tân Văn LDO | 22/07/2023 12:46

Cao Bằng - Tham gia trò chơi, mỗi người cần thể hiện bản lĩnh trước đối thủ, đổi mới cách xòe tay làm cho đối phương không đoán được.

Lày cỏ” hoặc “sai mạ” là một hoạt động giao lưu trong những dịp lễ, tết, ngày vui của người Tày, Nùng, Mông... tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và một số địa phương khác, mang đậm nét văn hóa dân gian đặc sắc. Ảnh: Sơn Việt.
Cách chơi lày cỏ gần giống như oẳn tù tỳ.
Mỗi lượt chơi chỉ có hai người. Khi chơi, họ cùng đồng thanh hô một con số. Số nào là do mình chọn. Xòe ra mấy ngón tay, tùy mình thích. Miễn sao cộng các ngón tay hai người khớp lại, vừa đúng với số mà mình hô. Ai đoán đúng sẽ thắng. Ai thua thì bị phạt.

Lày cỏ không phân biệt tuổi tác, giới tính. Ai cũng có thể tham gia tranh tài.
Theo nhà nghiên cứu văn hoá - Vương Hùng, lày cỏ chính là lai quá (lại qua), phiên âm từ tiếng Hán. Có nghĩa là người đối qua, người đáp lại từ đó tìm ra bên đúng (thắng cuộc).
Nếu đối phương xòe tay ra theo quy luật và bị bắt bài thì gọi là bắt được ngựa, tiếng địa phương là “pắt mạ”. Nếu một bên thua liên tiếp mà không giành được bất cứ điểm nào thì gọi là “pạc pản” có nghĩa là “nốc ao”, sẽ chịu gấp đôi hình phạt. Nếu bên nào giành được 4 điểm số thì thắng, bên thua phải chịu hình thức phạt (có thể chịu phạt rượu hoặc một hình thức khác).
Khi người chơi tranh tài, trọng tài phải am hiểu luật chơi, công tâm và trong sáng, nếu trọng tài xử lý tình huống sai sẽ phải chịu hình thức phạt.
Nét văn hóa này đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều đời. Khi cộng đồng hay gia đình có những cuộc vui thì không thể thiếu “lày cỏ” nhằm tạo không khí sôi động, vui tươi.
Tại không gian hoạt động văn hóa thể thao tại Phố đi bộ Kim Đồng, Ban quản lý đã đưa trò chơi này vào thi đấu định kỳ hàng tháng nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch trải nghiệm nét văn hoá dân gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn