MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lò gốm cuối cùng ở TPHCM tất bật với nghề làm "ông Táo"

HỮU HUY LDO | 03/02/2021 13:59

Cận ngày 23 tháng chạp Âm lịch, không khí tại cơ sở làm bếp lò, còn gọi là ông lò hay "ông Táo" thủ công duy nhất ở TPHCM lại tất bật hơn ngày thường để phục vụ thị trường mua sắm cuối năm.

Vào những năm giữa thế kỉ XX, khu Lò Gốm ở Sài Gòn khá rộng, bao gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định – Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo – Gò Cây Mai (quận 11).
Sau thời gian hiện đại hóa, cuộc sống của người dân càng hiện đại, bếp ga thay thế bếp than khiến các lò gốm đất dần dần mất đi. Hiện tại, chỉ còn duy nhất cơ sở Hưng Lợi (phường 16, quận 8) của ông Trần Văn Tiếp (hay gọi là Năm Tiếp) còn hoạt động.
Theo ông Trần Văn Tiếp, nguyên liệu để sản xuất "ông lò" của cơ sở ông được lấy từ Long An, Tiền Giang, vận chuyển qua đường thủy, nối giữa sông Bến Lức đến rạch Ruột Ngựa (quận 8), bao gồm đất sét, trấu, xơ dừa.
Sản phẩm ở đây được phân chia làm 6 mẫu mã kích thước khác nhau. Giá dao động từ 30.000 – 160.000 đồng/cái.
Đất sét sau khi được phối trộn sẽ được tạo hình thành sản phẩm bếp "ông lò".
Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, bếp "ông lò" dần được tạo hình.
"Ông lò" sau khi được tạo hình sẽ được mang đi phơi khô dưới nắng và cho vào lò nung.
Lò nung luôn luôn có người túc trực để giữ nhiệt độ ổn định.
Trước khi sản phẩm đưa ra thị trường, được các thợ làm lò gia công lại bằng việc trám thêm bột keo, xi-măng.
Ngoài ra, để đảm bảo tuổi thọ cho sản phẩm, tránh bị nứt khi nấu nướng, các "ông lò" còn được gia cố thêm khuôn nhôm xung quanh mà những người thợ gọi vui là mặc giáp cho "ông Táo".
Bình quân mỗi ngày cơ sở của ông Tiếp xuất ra thị trường gần 500 bếp "ông lò". Nhưng cận Tết số lượng tăng gấp 3 lần, để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường TPHCM và các tỉnh thành lân cận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn