MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lò lu 180 năm tuổi cung cấp vật liệu làm linh vật rồng độc lạ

ĐÌNH TRỌNG LDO | 04/02/2024 06:30

Lò lu Đại Hưng - một trong những cơ sở sản xuất đồ gốm lâu đời nhất ở tỉnh Bình Dương. Những ngày qua, nhiều người biết đến lò lu Đại Hưng khi cơ sở này cung cấp miễn phí vật liệu để các nghệ nhân và địa phương làm nền cặp linh vật rồng lu độc đáo.

Những ngày qua, hình ảnh linh vật rồng làm bằng lu một cách độc đáo thu hút sự chú ý của người dân không chỉ ở Bình Dương. Những nghệ nhân tại Bình Dương cho biết, vật liệu cung cấp để làm linh vật rồng đặc biệt này do Lò lu Đại Hưng (một trong những lò lu có tuổi đời lâu năm nhất ở Bình Dương) tài trợ.
Theo lời giới thiệu, từ điểm đặt linh vật rồng, chúng tôi đi khoảng 3 km thì đến Lò lu Đại Hưng ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Những người lớn tuổi trong làng đều cho biết, đây là một trong những cơ sở sản xuất và bảo tồn nghề gốm cổ nhất đất Bình Dương.
Lò lu Đại Hưng được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2006.
Nơi đây vẫn giữ được những phương thức sản xuất theo lối thủ công truyền thống: Nặn gốm bằng tay, nung bằng củi, màu sắc cổ điển, nguyên vật liệu khai thác tại địa phương, không sử dụng kĩ thuật, máy móc hiện đại.

Những người thợ làm nghề ở đây cũng theo hình thức cha truyền con nối và chủ yếu là người địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Thái Bảo (bìa trái, 41 tuổi) là một trong những thợ chính phụ trách làm “lu nhất“. “Mỗi chiếc lu nhất nặng khoảng 100 kg, làm lu này phải 2 người khỏe đều tay. Mỗi ngày tôi làm được 36 chiếc lu nhất, tiền công là 36.000/1 chiếc lu nhất“ - ông Nguyễn Hoàng Thái Bảo chia sẻ.
Bà Phạm Thị Hậu (44 tuổi) gắn bó với nghề làm lu truyền thống được hơn 20 năm. "Từ nhỏ tôi đi theo cha mẹ phụ việc. Sau lớn lên làm riết cho tới bây giờ. Tôi làm lu lỡ, dậy làm từ 4h sáng, mỗi ngày được 40 cái với tiền công 6.500 đồng/1 cái lu lỡ. Mọi người nhìn mình đi vòng tròn luôn tay luôn chân thì chóng mặt, nhưng mình thì quen rồi" - bà Hậu chia sẻ.
Làm nắp những chiếc lu. Công đoạn này nhẹ hơn, thường là những người lớn tuổi thực hiện.
Mỗi ngày bà Nguyễn Thị Tư (70 tuổi) làm được khoảng 30 nắp lu, tiền công 3.000 đồng/chiếc. Những chiếc nắp lu sau khi thành hình sẽ được mang ra phơi nắng. "Tôi làm nghề này từ khi còn nhỏ tới bây giờ. Gắn bó với nghề giờ quen không gian và mùi đất rồi, không làm nghề gì khác được" - bà Tư chia sẻ.
Sau khi lu được tạo hình và phơi khô sẽ được đưa vào trong lò nung.
Đây là khu lò nung của Lò lu Đại Hưng, kiểu lò bao truyền thống với hình cuốn như vỏ sò úp nối nhau từ thấp đến cao với tất cả 15 lò.
Khi lu được xếp vào trong, bước cuối cùng là trám kín lò lại. Lò sẽ được đốt ở nhiệt độ 1200 độ C trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tiếng.
Khi lò nguội là thời điểm dỡ lò, đưa các sản phẩm ra bên ngoài.
Ông Bùi Văn Giang (70 tuổi, chủ Lò lu Đại Hưng đời thứ 5) cho biết, mỗi ngày lò lu cung cấp cho thị trường khoảng 400 sản phẩm (lu, hũ, khạp lớn nhỏ).
“Lò lu của có tuổi đời khoảng 180 năm. Mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 400 sản phẩm. Lu này sẽ đem đi tiêu thụ ở miền Tây, Campuchia, miền Trung và cả ngoài Hà Nội" - ông Bùi Văn Giang nói.
"Năm nay cơ sở của chúng tôi cung cấp vật liệu để làm linh vật rồng lu. Tôi rất vui vì điều này, chúng tôi chung sức tạo nên linh vật độc đáo gắn với lịch sử làm nghề lu, nghề gốm ở Tương Bình Hiêp” - ông Giang bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn