MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ trồng bồn bồn, nhiều hộ dân ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có cuộc sống ổn định.

Loài cỏ dại trở thành đặc sản giúp nông dân Sóc Trăng hốt bạc

PHƯƠNG ANH LDO | 16/09/2023 13:44

Tại một số vùng đất lúa hay đất nuôi tôm sản xuất không hiệu quả ở huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), người dân chuyển sang trồng bồn bồn mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ còn thoát nghèo nhờ mô hình này.

Ở huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) nhiều nông dân mạnh dạn cải tạo đất ruộng lúa hay đất nuôi tôm kém hiệu quả để trồng bồn bồn. Nếu trước đây, bồn bồn được xem là cỏ dại, thì giờ đây nhiều nơi bồn bồn lại thế chỗ cho cây lúa.
Chuyển sang trồng bồn bồn hơn chục năm nay đã mang về nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Hạnh ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Chị Hạnh cho biết: Lúc đầu, ruộng nhà chị trồng lúa, nhưng năng suất thấp, làm không có lời, lại còn bị thâm hụt tiền vốn. Nghe nói trồng bồn bồn nhẹ công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn mua giống về trồng. Với 5.000m2, hiện nay mỗi tháng chị thu hoạch khoảng 700 - 800kg, thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tính ra thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa.
Đến nay, toàn huyện Mỹ Tú có khoảng 80ha đất chuyên canh bồn bồn. Hộ trồng ít thì 4 - 5 công (1 công - 1.000m2), hộ nhiều có thể lên đến cả chục công. Cây trồng này nhanh chóng trở thành cây xóa đói giảm nghèo trên vùng quê Mỹ Tú.
"Trước đây gia đình làm công nhân thu nhập bấp bênh. Nhờ tích góp được một số vốn, tôi thuê 6.000m2 đất để trồng bồn bồn. Hiện nay mỗi tháng gia đình thu hoạch từ 700kg đến 1,2 tấn, giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi phải 10 - 15 triệu đồng", anh Nguyễn Văn Vĩnh (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) phấn khởi cho biết.
Bồn bồn ngập sâu trong nước nên muốn thu hoạch người dân phải trầm mình nhiều giờ để nhổ.
Bồn bồn vừa nhổ lên mang chặt bỏ phần lá, giữ lại phần gốc, sau đó tách bỏ bẹ lá bên ngoài để lấy phần lõi non bên trong.
Bồn bồn vào vụ còn giúp cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm nghề nhổ bồn bồn thuê. Bình quân mỗi ngày, một lao động có thể nhổ được từ 20 - 30 kg, thu nhập từ 140.000 - 280.000 đồng.
Bồn bồn là loại cây có sức sống mãnh liệt, không chịu được khô hạn nhưng lại thích nghi ở những vùng ngập nước. Nước càng sâu bồn bồn càng vươn cao và phần lõi non càng dài.
Bồn bồn có hình dáng giống với cây cói. Lá cây nhỏ, dài có nét giống với lá sả. Khi bồn bồn to, lá xanh tốt, người dân bắt đầu thu hoạch. Việc canh tác loại cây này cũng hoàn toàn không sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu. Điều này giúp cho môi trường sống tự nhiên của các loài cá được đảm bảo, góp phần làm tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Nếu như bồn bồn ngoài tự nhiên chỉ cho thu hoạch 1 vụ trong năm từ tháng 6 – 11 âm lịch, thì nay với việc trồng chuyên canh bồn bồn như ở Mỹ Tú, cây đã cho thu hoạch khoảng 6 tháng trong năm.
Bồn bồn sau khi làm sạch sẽ được thương lái trực tiếp đến mua mang đi phân phối ở các chợ, nhà hàng hoặc quán ăn…
Ngoài bán bồn bồn tươi, nhiều hộ còn chế biến món dưa chua bồn bồn. Đây cũng là sản phẩm tiềm năng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng).
Cây bồn bồn dân dã ngày nào bây giờ đã trở thành đặc sản, làm nên câu chuyện về sức sống của một loài cây trước tác động của con người vào những quy luật của tự nhiên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn