MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Loạt tuyến đường ở Hà Nội được mở rộng để giảm ùn tắc trong 5 năm qua

Thế Kỷ LDO | 06/01/2024 17:52

Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã có nhiều dự án mở rộng, cải tạo các tuyến đường nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc.

Đường Hoàng Quốc Việt - Dự án điều chỉnh kích thước giải phân cách giữa mở rộng mặt đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu thực hiện từ 20.1.2022, chiều dài khoảng 2.48km. Tổng mức đầu tư trên 20 tỉ đồng. Ảnh: Hà Giang
Sau khi hoàn thành, dải phân cách giữa tuyến đường Hoàng Quốc Việt có bề rộng trung bình từ 8 m đến 11,5 m xuống còn 4,4 m.
Sau khi thu hẹp dải phân cách, mặt đường xe chạy được mở rộng từ 6 làn xe lên 8 làn xe. Tình trạng ùn tắc đã được cải thiện rất nhiều sau khi tuyến đường được mở rộng.
Từng là điểm nóng về ùn tắc, tuy nhiên hiện đoạn nút giao Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng rất thông thoáng.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục đề xuất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm 4 làn xe); tổng mức đầu tư khoảng 850 tỉ đồng. Dự án nhằm tăng cường kết nối đường Hoàng Quốc Việt với đường Trần Vỹ, giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32 hiện hữu.
Đường Trần Đăng Ninh - Dự án xén vỉa hè, mở rộng mặt đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy) được triển khai từ 20.9.2021. Ảnh: Huy Thiện
Đây là tuyến đường có mật độ giao thông lớn nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là đoạn nút giao Trần Đăng Ninh - Nguyễn Phong Sắc. Ảnh: Huy Thiện
Sau khi hoàn thành việc mở rộng, đường Trần Đăng Ninh (hướng nút giao Chùa Hà đi nút giao Trần Đăng Ninh - Nguyễn Phong Sắc) trở nên thông thoáng hơn.
Có thêm làn xe chạy nền tình trạng ùn tắc tại tuyến đường này được cải thiện. Tuy nhiên vào các khung giờ cao điểm, đường Trần Đăng Ninh (hướng từ nút giao Nguyễn Phong Sắc đi Chùa Hà) vẫn xảy ra ùn ứ cục bộ.
Đường Trần Đăng Ninh thông thoáng sau khi được mở rộng.
Đường Liễu Giai - Văn Cao - Dự án mở rộng tuyến đường Liễu Giai - Văn Cao bắt đầu được thi công vào đầu tháng 7.2021. Thời điểm trước thi công, dải phân cách của tuyến đường giữa rộng 17 m. Ảnh: Kim Anh
Sau khoảng 2 tháng thi công, dự án đã hoàn thành, toàn bộ dải phân cách đã được xén còn 3-5 m, tạo thêm 4 làn xe, nâng số làn xe của tuyến đường này lên 8 làn. Ảnh: Hà Giang
Đường Liễu Giai - Văn Cao hiện có mật độ phương tiện lưu thông hàng ngày rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc kéo dài đã được cải thiện, chỉ thỉnh thoảng ùn ứ cục bộ vào khung giờ cao điểm tại các nút giao.
Đường Láng - Đầu tháng 1.2019, Dự án xén vỉa hè mở rộng mặt đường tuyến Vành đai 2 (đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở) được triển khai với mục đích góp phần giảm ùn tắc giao thông và tạo nên diện mạo mới cho đường Láng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 64,3 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành việc mở rộng, diện mạo tuyến đường Láng đã có nhiều thay đổi, tình trạng ùn tắc được cải thiện, thông thoáng hơn.
Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau khi hoàn thành, tình trạng ùn tắc tiếp tục quay lại tuyến đường này do mật độ phương tiện liên tục tăng cao.
Hiện Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025).
Đường Vành đai 3 - Cùng thời điểm mở rộng đường Láng, Sở GTVT Hà Nội cũng tiến hành xén dải phân cách, mở rộng đường Vành đai 3 (từ Mai Dịch đến cầu Dậu). Ảnh: Cường Ngô
Mỗi bên thảm cỏ được xén từ 1,5 m đến 3,5 m để mở rộng mặt đường. Ảnh: Cường Ngô
Sau 1 tháng triển khai thi công, dự án đã hoàn thành. Các phương tiện có thêm làn đường để di chuyển.
Đây là hình ảnh ghi nhận sau 1 tháng mở rộng Vành đai 3, ùn tắc vẫn diễn ra thường xuyên. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng ùn tắc trên Vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch đi Pháp Vân) ngày càng nghiêm trọng do mật độ phương tiện tăng quá nhanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn