MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại Yên Bái, cùng với việc phát triển du lịch mạo hiểm, rất đông đồng bào H'Mông đã tìm được công việc có thu nhập tốt nhờ công việc porter (người khuân vác đồ kiêm nấu ăn, phục vụ khách du lịch).

Một ngày ăn ngủ cùng porter đồng bào H'Mông

NHÓM PV LDO | 24/10/2023 09:03

Ngoài dẫn đường cho khách leo núi, các porter còn là bạn đồng hành, chia sẻ về phong tục, tập quán của đồng bào H'Mông. Sau mỗi chuyến đi, họ còn cập nhật xu hướng trên mạng xã hội để nhiều người biết hơn về du lịch ở vùng cao...

Đoạn đường đất đá gồ ghề cùng nhiều con dốc dựng ngược là bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Lùng Cúng (nằm ở độ cao 2.913m so với mực nước biển và là 1 trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam).
Để đảm bảo an toàn cho việc du lịch khám phá mạo hiểm tại một vùng đất mới thì không thể thiếu porter (làm công việc xe ôm, mang đồ và dẫn đường cho khách leo núi).
Bản Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có cả trăm người dân tộc H'Mông đang làm công việc đặc biệt này.
Người H'Mông chân thật, nghèo khó, chẳng ai biết porter là nghề gì, du nhập về địa phương từ bao giờ. Họ chỉ nhớ rằng khoảng chục năm nay, các thanh niên trong bản nhờ đỉnh Lùng Cúng trên địa bàn đã đổi sang làm porter rất nhiều, thu nhập gia đình cũng đã cải thiện.
Không chỉ là một người dẫn đường, khuân vác, porter còn là những cầu nối vô hình kết nối giữa con người và núi rừng Tây Bắc đẹp ngây ngất lòng người. Công việc này đòi hỏi rất nhiều yếu tố như sự am hiểu lối mòn, sức khỏe dẻo dai và sự kiên trì không nản chí.
Chiếc ba lô to, nặng khoảng 30 kg, cây gậy và đôi dép tổ ong là những đồ dùng gắn bó với porter Phàng A Chống (SN 1980 - người H'Mông ở xã Tà Xùa, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) trong những chuyến đưa khách chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù (nằm ở độ cao 2.979m so với mực nước biển, đứng thứ 7 trong các ngọn núi cao nhất Việt Nam).
Mỗi chuyến đi với anh đều là những kỷ niệm đáng nhớ. Anh Chống chia sẻ rằng, leo núi mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, quanh năm trong rừng đều có các loài hoa nở, tuy nhiên, gặp mùa mưa thì di chuyển sẽ khó khăn. Thời điểm thích hợp nhất để leo núi là từ tháng 10 năm đến cuối năm.
Vài năm nay, ở xã Tà Xùa, số người H'Mông làm nghề dẫn đường rất đông, trai, gái đủ cả, miễn có sức khoẻ. Mỗi người sẽ được trả 500.00 đồng/ngày cho việc khuân vác đồ đạc, nấu ăn và dẫn đường.
Khi gần đến nơi dừng chân, một số porter sẽ đến trước để dọn dẹp lán nghỉ hoặc dựng lều, đun nước nóng cho khách tắm và chuẩn bị bữa tối. Các porter luôn phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho khách và cũng là người ngủ cuối cùng sau khi đã dọn dẹp, chuẩn bị đồ cho hành trình hôm sau.
Ngoài dẫn đường, vác đồ, porter còn là bạn đồng hành, người giúp du khách ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, chỉ cho khách biết về các loài cây, chim, thú trong rừng hoặc phong tục, tập quán của địa phương.
Các porter chế biến bữa tối giữa rừng với toàn bộ nguyên liệu mang theo từ đầu hành trình để đoàn leo núi ăn uống, nghỉ ngơi.
Đặc biệt, các porter cũng là những người thường xuyên “review“, quảng bá du lịch, thu hút du khách tới quê hương mình trên các kênh mạng xã hội. Nhiều khách sau một lần leo núi lại tiếp tục chinh phục thêm các ngọn núi khác và giới thiệu bạn bè.
Ngày hôm sau xuống núi, các porter còn tìm kiếm những cung đường lạ, đẹp cho khách để có những trải nghiệm thú vị. Bây giờ, đồng bào H'Mông đã biết xây dựng trang cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram, Tiktok... để tìm cơ hội phát triển du lịch trên quê hương mình. Ảnh: Bảo Nguyên

This browser does not support the video element.

Các porter tất bất chuẩn bị bữa cơm chiều cho đoàn leo núi trên hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn