MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một ngày tất bật trong khu điều trị COVID-19 có triệu chứng lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - ANH TÚ LDO | 18/07/2021 15:27

Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 số 8 thuộc quần thể Bệnh viện dã chiến thu dung số 3, 6, 7, 8, 9 điều trị ca dương tính COVID-19 tại chung cư tái định cư Bình Khánh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Bệnh viện dã chiến số 8 thuộc tầng 2 theo mô hình “tháp 4 tầng” điều trị COVID-19 chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 ở mức độ có triệu chứng.

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, TPHCM đã sử dụng nhiều lô chung cư tái định cư Bình Khánh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) để làm Bệnh viện dã chiến thu dung số 3, 6, 7, 8, 9 điều trị ca dương tính COVID-19 và khu cách ly tập trung.
Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 số 8 thuộc tầng 2 theo mô hình “tháp 4 tầng” điều trị COVID-19 của Sở Y tế TPHCM - nhóm bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 ở mức độ có triệu chứng.
Bệnh viện dã chiến số 8 đặt tại tòa nhà khu tái định cư Bình Khánh (phường An Khánh) với quy mô khoảng 3.000-4.000 giường, dưới sự phụ trách của hơn 200 y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Bình Dân và đội ngũ quân nhân, bảo vệ... Hiện đồ đạc của các bác sĩ vẫn đang được đưa về bệnh viện.
Theo PGS.TS. Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, trực tiếp quản lý Bệnh viện dã chiến thu dung số 8: "Được sự phân công, hiện nay tại bệnh viện có 137 y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Thống Nhất đã có mặt, ngày đêm làm công tác chuẩn bị, điều phối, tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ".
Công tác kiểm tra bệnh do 5 kíp (mỗi kíp gồm 5 điều dưỡng và 2 bác sĩ) thay nhau đi kiểm tra bệnh nhân theo từng ca, mỗi ca 4 tiếng. Bác sĩ Việt đang mặc đồ bảo hộ trước khi bắt đầu vào ca trực.
Sau khi mặc đồ bảo hộ, các diều dưỡng và bác sĩ ghi tên ở phía sau để dễ dàng nhận ra nhau trong khi đi kiểm tra bệnh hoặc hỗ trợ cho bệnh nhân.
Khi bệnh nhân có bất kỳ thắc mắc nào, các nhân viên y tế túc trực sẽ ngay lập tức nhận được thông tin báo qua điện thoại và tới để giải đáp và hỗ trợ người bệnh được kịp thời.
Hiện mỗi căn hộ chung cư tại đây đều có 2 phòng ngủ. Mỗi phòng ngủ được bố trí 2 gường bệnh, riêng phòng khách rộng được bố trí 3 giường.
Kíp trực luân phiên đi đo nhiệt độ, thăm khám cho bệnh nhân để đảm bảo kịp thời ứng phó tình hình nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng.
Chiếc điện thoại "cục gạch" để nhân viên y tế liên lạc trong nội bộ trong trường hợp khẩn cấp.
BS.Thế Anh (Khoa ngoại tiết niệu Bệnh viện Thống Nhất) ướt đẫm mồ hôi sau khi thăm khám cho bệnh nhân. BS kể lại: "Hiện trong Bệnh viện có 2 bệnh nhân nước ngoài là người Nga và Slovakia. Trước đây, tôi cũng đi du học 8 năm bên Nga nên họ rất yên tâm vì có bác sĩ nói tiếng mẹ đẻ đến thăm khám bệnh cho mình".
Nhân viên y tế sau khi hết ca sẽ về phòng nghỉ giữa ca để nghỉ ngơi lấy lại sức để chuẩn bị tiếp tục chiến đấu.
Theo PGS.TS. Đỗ Kim Quế: “Hiện tại số bệnh nhân F0 đang được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 8 là 2.317 người. Trong hôm nay 18.7, các trường hợp đang chờ được chuyển về khoảng 150 người. Trong đó trường hợp bệnh nhân có triệu chứng chuyển nặng phải điều trị ở mức 10%”.
"Quản lý một toà nhà hàng nghìn bệnh nhân không phải dễ dàng. Do đó công việc của chúng tôi được chia làm nhiều khâu. Những hôm đầu do chưa quen nên công việc còn khá lộn xộn, tuy nhiên hiện tại công việc đã đi vào ổn định"- Điều dưỡng Đỗ Thanh Hương - Điều dưỡng viên trưởng phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 8 cho biết.
Đội ngũ dân quân phụ trách việc nhận đồ và vận chuyển thực phẩm, bữa ăn cho các bệnh nhân và nhân viên y tế.
Không chỉ chăm sóc bệnh nhân, các điều dưỡng và bác sĩ còn phụ trách luôn công việc vận chuyển đồ tiếp tế...
và phát nhu yếu phẩm của người nhà bệnh nhân gửi lên phòng bệnh.
Việc ra vào khu điều trị bệnh nhân đều được lực lượng bảo vệ kiểm soát chặt chẽ ở các chốt chặn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn