MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mùa khô hạn, người dân đau xót dành 8 tiếng mỗi ngày cắt lúa cho bò ăn

Bảo Trung LDO | 23/03/2020 07:30

Mùa khô hạn, lúa vụ đông xuân gần đến mùa thu hoạch bỗng chết khô do không có đủ nước tưới, người dân ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đành ''ngậm đắng nuốt cay'' cắt cho bò ăn...

Tây Nguyên tuy chỉ mới bước vào mùa khô không lâu nhưng một số khu vực đã xuất hiện hạn rất nghiêm trọng. Cư Pui, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Bông (Đắk Lắk) chúng tôi bắt gặp cảnh một vài đàn bò thả rông đang ''gặm'' lúa chết khô ngoài đồng. Ảnh: B.T
Chị H'Duen - Drao (ngụ buôn Khoắh, xã Cư Pui) tâm sự, hiện vựa lúa đông xuân của cả xã đang đến mùa thu hoạch nhưng gặp hạn hán nghiêm trọng, nước không đủ tưới nên chết khô rất nhiều, chúng tôi đành xua bò ra ăn cho đỡ phí. Đã 4 tháng trời khu vực này không có lấy một giọt mưa.
''Nhìn lúa dần chết khô chúng tôi cũng rất đau xót, bao nhiêu công sức gieo trồng, chăm bón trong nhiều tháng trời đổ xuống sông xuống biển. Bà con trong vùng hiện mỗi ngày cứ ra đồng đều đặn 8 tiếng chỉ để cắt cỏ cho bò ăn. Tôi cứ gặt xong hết lúa chết rồi tính đường khác làm ăn chứ trồng cây gì ở vùng này cũng rất khó qua khỏi mùa khô'', chị H'Ngọc Bỹa nói.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Krông Bông, toàn huyện đang có 260ha cây trồng ngắn ngày bị khô hạn nghiêm trọng, trong đó có đến hơn 150ha lúa nước.
Hiện, không chỉ người dân ở Cư Pui cắt lúa chết khô cho bò ăn, một số xã khác trong huyện Krông Bông cũng chung tình cảnh tương tự.
Tự tay ''cắt đi'' thành quả lao động, nhiều người dân nơi đây đều chán nản, mệt mỏi. Một số người còn tâm sự rằng muốn bỏ ruộng đồng, đi lên thành phố tìm công việc mưu sinh vì chẳng còn biết làm gì để kiếm sống ở địa phương. 
Một đống lúa chết khô có người ngỏ mua với giá hơn 100.000 đồng nhưng người dân kiên quyết không bán, chấp nhận để dành cho bò ăn.
Phòng NNPTNT huyện Krông Bông cho biết sẽ thống kê danh sách người dân bị thiệt hại, xin UBND huyện hỗ trợ kinh phí để họ tái sản xuất. Đơn vị cũng sẽ lập các trạm bơm dã chiến đưa nước từ sông lên hoặc điều tiết nước từ công trình thủy lợi ở sông Krông Kmar về ''giải khát'' cho cây trồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn