MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mùa nước nổi miền Tây về chậm, nông dân "bể kèo" vụ cá tôm

Minh Ánh LDO | 13/10/2021 10:00
Những năm trước, vào tháng này, đi dọc các cánh đồng ở các tỉnh miền Tây, không khó để bắt gặp hình ảnh bà con nông dân đang giăng lưới, đặt trúm lươn, đẩy côn đánh bắt cá đồng. Tuy nhiên, đến nay đã giữa tháng 10 nhưng nước về đồng rất ít. Điều đó khiến sản lượng cá tôm của bà con sụt giảm.
  Mùa nước nổi (còn gọi là mùa lũ) là một trong những nét đặc trưng của miền Tây. Nước về giúp vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa, diệt trừ cỏ dại, chuột... Mùa nước nổi cũng là mùa khai thác các sản vật như cá linh, cua đồng, lươn, rắn, bông súng, bông điên điển...
Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, tức tháng 8 - 11 dương lịch. Nhưng năm nay, nước về muộn và không nhiều, tại Cần Thơ nhờ những ngày qua có mưa nhiều nên nhiều cánh đồng đã bắt đầu ngập nước.  
Ông L.V.H (Đông Thắng, Cờ Đỏ, Cần Thơ) cho biết: "Mọi năm vào tháng 8 dương lịch, nước đã lên trắng đồng, nhưng năm nay nước về muộn, nhiều bà con cũng mong chờ". 
Ông H. tranh thủ những ngày nước lên đi đặt trúm (một loại dụng cụ thường được đan bằng tre đặt xuống nước dùng để nhử bắt lươn).
Mồi để bắt lươn đồng là ốc bươu đập dập. Trung bình sau mỗi lần đặt trúm, ông H. có thể bắt được 4 - 5 ký lươn. 
Năm nay mùa lũ về chậm nên anh Lý Hải (xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) cũng không thu hoạch được nhiều sản vật từ thiên nhiên.Những ngày này, anh Hải chỉ dùng lưới, bắt cá nhỏ về làm thức ăn cho cá lóc nhà ăn.
"Mỗi buổi đi giăng lưới, tôi bắt được khoảng 3 - 4 ký cá. Năm nay tôi không thấy có cá to. Thông thường thả lưới, chúng tôi phải chờ khoảng 1 tiếng mới kéo lên", anh Hải cho biết. 
Theo nhận định của anh Hải, so với mọi năm, sản lượng cá tôm năm nay cũng chỉ bằng phân nửa. 
Đối với những dòng cá nhỏ, người dân thường mang về làm thức ăn cho giống cá khác, "còn cá to như cá lóc, cá trê bán mới có giá", ông H. cho biết.
Ngoài đặt trúm bắt lươn, giăng lưới bắt cá, bà con miền Tây còn sử dụng các phương pháp để đánh bắt khác như đẩy côn. Sử dụng phương pháp này, “chiến lợi phẩm” thu về phần lớn là loại cá lóc đồng, ngoài ra cũng có cá trê, cá rô. 
Hiện giá mỗi ký lươn đồng là khoảng từ 230.000 - 250.000 đồng. Ngoài lươn, cá đồng cũng là mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán khá cao, khoảng 100.000 đồng/kg.
Nếu bắt được nhiều cá, tôm, lươn,... người dân sẽ bán cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhưng nếu ít, bà con sẽ để bán trước nhà, hoặc mang ra chợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn