MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mục sở thị "bảo bối thép" được lắp thêm để làm sạch bùn sông Tô Lịch

LÊ TUYẾT – KHUYÊN LÊ LDO | 17/06/2019 15:55

Ngày 17.6, tại đoạn sông Tô Lịch được lắp đặt thiết bị ứng dụng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã bổ sung thêm rào sắt khoanh vùng để xử lý phân hủy toàn bộ lớp bùn hữu cơ thành khí CO2 và nước.

Sau 1 tháng thí điểm xử lý nước, sáng 17.6, một đoạn sông tại khu vực này được lắp thêm rào sắt để các chuyên gia Nhật Bản trình diễn phân hủy bùn thành khí CO2 và nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Khu vực bùn bẩn rộng 70m2 được quây riêng bằng rào sắt. Bên trong rào quây, các chuyên gia đặt 4 tấm vật liệu Bioreactor. Nước Nano, nước thải từ bên ngoài liên tục được bơm vào tạo dòng chảy lưu thông. 
Công nhân môi trường đặt tấm vật liệu Bioreactor xuống khu vực bùn được quây lại. 
Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện JVE cho biết: “Gần một tháng nay, thiết bị công nghệ NANO – BIOREACTOR đã làm 2 việc với lòng sông, một là vừa xử lý nước ô nhiễm, hai là phân hủy bùn. Tuy nhiên, do mặt bùn dưới sông cao, phân hủy dưới tầng đó, chúng ta chưa cảm nhận, chưa thấy được trực quan công nghệ này phân hủy bùn như thế nào. Vì vậy, hôm nay chuyên gia Nhật Bản kết hợp với JVE có quây lại khu vực 70m2 để sau một tháng, chúng ta sẽ thấy khu vực này không còn bùn nữa”. 
Các cán bộ môi trường lấy mẫu nước tại 3 điểm ở khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano – Bioreactor để kiểm tra khả năng xử lý nước; đồng thời tiến hành kiểm tra nhanh chỉ số pH và DO (đo kiềm và lượng oxy hòa tan trong nước). 
Các đơn vị độc lập xuống sông lấy mẫu nước về để phân tích sự thay đổi sau một tháng sử dụng công nghệ Nano làm sạch sông Tô Lịch.
Cán bộ môi trường tiến hành lấy mẫu giám định chất lượng nước.  
Ông Nguyễn Thành Công (cán bộ Trung tâm Chất lượng và bảo vệ tài nguyên nước) cho biết: “Qua cảm quan và chỉ số test nhanh có thể thấy, tình trạng ô nhiễm ở khu vực ứng dụng công nghệ Nano - Bioreactor đã cải thiện rõ rệt. Chỉ số test nhanh cho thấy lượng DO đang tăng (nồng độ oxy hòa tan tăng, chất lượng nước cải thiện), pH giảm (nước trong hơn, cặn trong nước giảm). Sau 10 ngày, sẽ có kết quả giám định chất lượng nước tại khu vực ứng dụng công nghệ Nano - Bioreactor".
Chỉ sau 3 ngày đặt thiết bị, theo một số người dân đánh giá, nguồn nước đã được cải thiện rõ rệt, tuy vẫn còn màu đen nhưng không còn mùi hôi thối.  
Chuyên gia Nhật Bản thường xuyên có mặt tại đoạn sông thí điểm để kiểm tra.
Đại diện JVE cho hay, việc thí điểm xử lý phân hủy bùn ở sông Tô Lịch sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng. Đơn vị dự kiến sẽ tiếp tục thí điểm công nghệ này tại sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn