MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đền thờ Trần Quốc Bảo nằm dưới chân núi Hoàng Tôn, nổi bật với kiến trúc cổ kính. Ảnh: Hoàng Khôi

Nét cổ kính ngôi đền ở Hải Phòng thờ vị tướng lừng danh trận Bạch Đằng

Hoàng Khôi LDO | 17/12/2023 10:03

Đền thờ Tướng quân Trần Quốc Bảo nằm trong Quần thể Di tích Lịch sử - Danh thắng cấp Quốc gia Tràng Kênh – Bạch Đằng thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi đền vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, độc đáo, thu hút khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Đền thờ Tướng quân Trần Quốc Bảo nằm dưới chân núi Hoàng Tôn, bên tả ngôi đền là núi Mã Yên, bên hữu có núi Phượng Hoàng. Căn cứ vào các nguồn tư liệu như: ngọc phả, văn bia, sắc phong và chính sử Việt Nam, Trần Quốc Bảo là con trai của một vị hoàng tộc vương triều Trần, cháu gọi vua Trần Nhân Tông (1279-1293) bằng ông. Trong trận quyết chiến Bạch Đằng 1288, ông được triều đình giao quyền chỉ huy đội thuỷ binh mai phục tại cửa ải Bạch Đằng - Tràng Kênh tấn công đoàn binh thuyền Ô Mã Nhi khi chúng xuôi dòng sông Đá Bạc vào Bạch Đằng.
Căn cứ vào một số văn tự còn được bảo lưu tại đền, ngôi đền có niên đại muộn nhất vào thời Lê Thần Tông (1619-1643). Tuy nhiên, dân gian cho rằng ngôi đền này được xây dựng sau khi Tướng quân Trần Quốc Bảo tạ thế được 100 năm, kinh phí xây dựng do triều đình nhà Trần lệnh cấp. Ban đầu, ngôi đền được xây dựng khá đơn sơ, qua các thời kỳ đã được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn.
Nổi bật nhất trong thiết kế kiến trúc của đền Trần Quốc Bảo là những đường nét cổ kính, độc đáo. Tam quan thiết kế thấp hơn so với thông thường khiến người bước vào hay ra đều phải kính cẩn cúi mình trước tôn nghiêm Thần tướng.
Qua Tam quan là Bái đường kiến trúc theo kiểu “Chồng diêm 2 tầng, 8 mái”, các bờ đao uốn cong vút với dáng vẻ thanh thoát, mềm mại. Phía trên mái được trang trí hoa văn kiểu lá lật, phượng mớm, “Lưỡng long chầu nguyệt” mang đậm nét đặc trưng văn hoá đình, đền Việt Nam; phần nóc Bái đình có bốn Hán tự lớn “Anh Dục Tú Trung” với ngụ ý ca ngợi đức kiên trung, anh dũng của thần tướng. Tầng mái được đỡ bởi 16 cột gỗ tròn, gồm 2 vành (vành chính 4 cột, vành phụ 12 cột) bao quanh. Xung quanh Bái đường không xây tường vây mà để ngỏ 4 mặt, tạo không gian khoáng đạt, mát mẻ.
Đền thờ chính gồm hai gian nối tiếp kiểu “Ống muống”, gian ngoài (Tiền đường), chính giữa đặt bàn thờ sơn son thiếp vàng cùng long ngai trang trọng, hai bên thờ quan văn, võ. Bên phải tiền đường đặt tượng một viên quan Giám mã, tay dắt ngựa bạch yên cương sẵn sàng như đang chờ lệnh chủ tướng lên đường đánh giặc.
Nằm phía sau Hậu cung chếch về bên trái (theo hướng từ Tam quan vào) là Nhà thờ Trần triều Quốc mẫu), cạnh đó là miếu thờ Phó tướng Vũ Nạp. Tiếp lên các bậc cao của sườn núi Hoàng Tôn có 3 ngôi miếu nhỏ, chính giữa là miếu thờ vọng Tướng quân Phạm Hữu Điều (sở dĩ là miếu thờ vọng do vào năm 1993, dòng họ Phạm ở An Hải đã sang xin phần mộ cụ về thờ tại cố hương), bên trái là miếu thờ quan Thái giám, bên phải là miếu thờ Sơn thần. Các công trình nằm phân bố theo sườn núi, nối với nhau bởi những bậc thang khúc khuỷu, cao hẹp tạo thành một hợp thể kiến trúc cổ kính, trầm mặc nằm giữa một vùng thắng cảnh hùng vĩ, tráng lệ nổi tiếng.
Đền thờ còn lưu giữ bia đá cổ, đặt ngay phía sau Bái đường.
Trong khuôn viên đền còn có cây gạo di sản hàng trăm năm tuổi, thân xù xì, cành lá vươn cao, xanh mát, tôn thêm nét trang nghiêm, cổ kính cho ngôi đền.

Với ý nghĩa lịch sử, nét kiến trúc độc đáo, ngày 28.4.1962, Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng cấp Quốc gia cho Quần thể Di tích Lịch sử - Danh thắng Tràng Kênh – Bạch Đằng, thị trấn Minh Đức, trong đó có Khu Di tích đền thờ và lăng mộ Tướng quân Trần Quốc Bảo. Hằng năm, vào dịp lễ hội đền Trần Quốc Bảo diễn ra vào tháng Giêng, người dân địa phương nói riêng và du khách thập phương tề tựu về tham gia nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng dân tộc. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thuỷ Nguyên

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn