MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngã Tư Sở, Vành đai 3 và loạt tuyến đường đã vượt mật độ xe theo thiết kế

Tô Thế LDO | 21/01/2024 14:10

Ngã Tư Sở, Vành đai 3 và loạt tuyến đường ở Hà Nội được xác định vượt từ 2 - 8 lần lưu lượng phương tiện so với thiết kế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc.

Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, tỉ lệ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay chỉ đạt 12-13%, trong khi đó theo quy hoạch ít nhất phải đạt 20-26%; giao thông tĩnh chưa đạt 1% so với quy hoạch là phải đạt 3-4%. Từ đó dẫn đến các các tuyến đường, nút giao có mật độ người lưu thông rất lớn, có tuyến vượt 8 lần thiết kế.
Vành đai 3 (cả dưới thấp và trên cao) xảy ra ùn tắc không kể thời điểm nào. Đặc biệt vào các dịp lễ, hay những ngày mưa, trục đường này thành nỗi ám ảnh đối với các tài xế. Theo thống kê, lưu lượng phương tiện đi trên trục đường này đã vượt khoảng 8 lần so với thiết kế.
Là trục đường huyết mạch, xuyên tâm nên Vành đai 3 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện ngày càng tăng cao so với thiết kế nên ùn tắc thường xuyên diễn ra.
Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên được hoàn thành vào năm 1985. Hiện lưu lượng phương tiện qua cầu đã tăng gấp 8 lần so với thiết kế. Ảnh: Tùng Giang
Ùn tắc thường xuyên xảy ra vào các khung giờ cao điểm. Nếu có va chạm trên cầu thì gần như các phương tiện phải “chôn chân” hàng chục phút trên cầu.
Trong năm vừa qua, Hà Nội đã xây dựng xong cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đây được xem là một trong những giải pháp nhằm giảm tải áp lực trên cầu Chương Dương.
Cầu Thanh Trì cũng được thống kê có lưu lượng vượt 8 lần so với thiết kế.
Cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ngoài ra, cây cầu này còn được mệnh danh là cây cầu có số vụ tai nạn giao thông lớn nhất Hà Nội bởi tần suất xảy ra tai nạn trên cầu Thanh Trì khá lớn. Ảnh: Thế Bằng
Theo dữ liệu quan trắc của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nút giao Ngã Tư Sở có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện một giờ nhưng hiện lên đến 8.000 nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Đây cũng là nút giao gây ám ảnh với người dân trong những khung giờ cao điểm.
Mới đây Hà Nội đã thực hiện mở rộng, tạo thêm làn đường mới tại nút giao này. Sau khi dự án trên hoàn thành, tình trạng ùn tắc đã được cải thiện. Tuy nhiên với lượng phương tiện ngày càng tăng như hiện nay thì đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Đường Nguyễn Trãi cũng được xác định vượt 3,3 - 5,6 lần lưu lượng phương tiện so với thiết kế vào giờ cao điểm.
Dù tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã đi vào khai thác thương mại, nhưng lượng xe cá nhân vẫn còn rất lớn. Chính vì thế ùn tắc thường xuyên xảy ra trên trục đường này.
Theo quan trắc, đường Tố Hữu đã vượt 1,6 lần lưu lượng phương tiện so với thiết kế. Ùn tắc thường xuyên xảy ra. Mặc dù trục đường này có tuyến buýt nhanh BRT nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Huế
Hà Nội đã xây dựng xong hầm chui từ Tố Hữu qua Lê Văn Lương, tuy nhiên những ngày mưa gió thì người dân vẫn phải “chôn chân” đợi qua hầm. Tuyến đường Lê Văn Lương cũng được xác định vượt 1,7 lần lưu lượng so với thiết kế.
Lượng phương tiện cá nhân không ngừng tăng khiến cho loạt tuyến đường ở Hà Nội ùn tắc liên miên. Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán ùn tắc giao thông dự báo sẽ còn diễn biến khó lường nữa do cả người dân tỉnh thành khác đổ về Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Huế

Dân số của Hà Nội hiện gần 10 triệu người. Đồng thời Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, gồm 1,1 triệu ô tô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200 nghìn xe đạp điện và chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn