MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cặp đại lão đa - đề hàng trăm năm tuổi là biểu tượng của xã Nam Hải (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Trung Du

Ngắm cặp đại lão đa - đề là biểu tượng của xã đất học tại Thái Bình

TRUNG DU LDO | 17/03/2024 06:30

Xã Nam Hải (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) từ xa xưa được xem là đất học trong vùng bởi có nhiều người học rộng, tài cao, thành đạt ở khắp nơi, trên nhiều lĩnh vực. Trên địa bàn xã, từ hàng trăm năm qua tồn tại một cặp cổ thụ là cây đa, cây đề trăm tuổi đã làm nên biểu tượng của quê hương giàu truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa.

Xã Nam Hải nằm ở phía nam của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, diện tích khoảng 7,65 km², tiếp giáp với các xã Nam Hồng, Nam Hà và Bắc Hải (huyện Tiền Hải) và xã Hồng Tiến, Bình Định (huyện Kiến Xương). Nơi đây từ xa xưa là vùng đất có phong trào học tập từ rất sớm của huyện Tiền Hải, nhiều người đỗ đạt cao, trong đó một số người được phong hàm Tướng. Trên trục đường huyện Tiền Hải từ hướng xã Nam Hà đi sang, ngay đầu xã Nam Hải có một gốc đa rất to, tuy nhiên cây đa này chỉ là cây vừa và nhỏ ở xã Nam Hải.
Đi tiếp một đoạn chừng gần 1 km nữa, sẽ thấy xuất hiện bóng dáng của cây đa, cây đề cổ thụ trước mắt. Hai cây cổ thụ này được trồng ở hai bên trước cổng chính trụ sở HĐND-UBND xã Nam Hải. "Tôi ở đây từ bé nghe các cụ cao niên kể lại thì hai cây được trồng cùng một lúc, không biết chính xác do ai trồng nhưng dễ phải gần 200 năm tuổi. Đến các cụ sống thọ đến nay gần trăm tuổi cũng nói là từ bé đã thấy có hai cây này rồi", ông Thắng - một người dân sống gần hai cây cổ thụ cho biết.
Cả hai cây đa, cây đề này đều đã được Hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận, ghi danh là cây di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cây đề mã số TB-11, cây đa mang mã số TB-12. Đường kính mỗi cây khoảng 4-6 mét, chiều cao tán lên đến 20 - 30 mét tính từ mặt đường.
Dù trồng cùng thời điểm nhưng cây đề lá vẫn còn rất xanh tươi, nhiều cành lớn phải cưa, cắt, tỉa đi do vươn dài, vướng chướng ngại vật nhưng hầu như không làm ảnh hưởng bố cục tổng thể của cây. Nếu đi từ ngoài đường vào trụ sở cơ quan hành chính xã Nam Hải, cây đề nằm bên tay phải.
Cây đa nằm phía bên tay trái, có thân già cỗi, nhiều chùm rễ lớn xủ xuống và có vẻ như đã già, yếu, lá không còn được xanh tươi, tốt như "bạn già" đề. Theo người dân, cách đây khoảng 4 năm, cây đa tự nhiên bị "ốm", có biểu hiện héo lá, khô rễ, cơ quan chức năng có liên quan phải mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để "cứu chữa". Rất may, lão đa này còn sống đến nay và vẫn khá khỏe mạnh.
Hai "bạn già" đa - đề tuổi đời gần hai trăm năm chụm đầu vào nhau như che chở, tỏa bóng mát cho trụ sở cơ quan hành chính xã Nam Hải cũng như người dân sinh sống, buôn bán xung quanh và khách qua đường. Rộng hơn, đây còn là biểu tượng của quê hương xã Nam Hải giàu truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa.
Dưới gốc cây đề, từ bao đời qua, người dân bày thịt, cá, rau, nải chuối, buồng cau để bán cho nhân dân trong và ngoài xã.
Bên trong khuân viên trụ sở xã Nam Hải, phía trước cửa Nhà văn hóa và Ban Công an xã cũng có một cây đề nhỏ hơn, cỡ gần trăm năm tuổi. Tuy được trồng sau nhưng cây cũng tỏa bóng mát xum suê và có dáng vẻ cũng rất đẹp. Với người dân xã Nam Hải, cặp cổ thụ đa - đề hàng trăm năm tuổi giống như một biểu tượng, một báu vật mà bất cứ ai xa quê cũng luôn nhớ về. Khách ở nơi khác đến, xa đến mấy thì xa, chỉ cần dặn dò tìm về gốc đa, gốc đề Nam Hải thì không ai phải lo bị lạc đường...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn