MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngắm cung điện mang phong cách kiến trúc tân cổ điển ở Huế

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN LDO | 29/11/2023 17:07

HUẾ - Cung An Định là một trong những cung điện to lớn, sang trọng bậc nhất nơi Cố đô Huế. Rất nhiều tư liệu, kỷ vật quý hiếm tồn tại từ thời nhà Nguyễn đang được trưng bày tại đây.

Tọa lạc tại số 97 đường Phan Đình Phùng (phường Phú Nhuận, TP. Huế), cung An Định là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của triều Nguyễn, mang trong mình nét đẹp của lối kiến trúc Á - Âu rất sang trọng, bề thế.
Theo tìm hiểu, cung An Định là một biệt cung của vua Khải Định. Công trình được xây dựng từ khi nhà vua còn là hoàng tử, cải tạo theo phong cách kiến trúc châu Âu vào năm 1917 - 1918 để làm nơi nghỉ ngơi, tiếp khách, chiêu đãi của hoàng gia.
Khi xưa, cung An Định vốn là một công trình làm bằng gỗ và mang tên gọi là phủ Phụng Hóa. Để biến ngôi phủ gỗ ban đầu trở thành một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ, vua Đồng Khánh (tức Thái thượng hoàng của vua Khải Định) đã sử dụng tiền riêng của mình để cải tạo lại phủ Phụng Hóa theo lối hiện đại cho con trai của mình.
Kể từ đó, công trình này trở nên bề thế, sang trọng và mang một cái tên mới đó là cung An Định. Năm 1945, cung An Định đã trở thành nơi gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống khi vua thoái vị.
Được biết, cung An Định được xây dựng bởi một nhóm thợ giỏi nổi tiếng ở Huế thời điểm đó, có thể kể đến như đệ nhất xảo thủ Nguyễn Văn Khả phụ trách phần mộc, thợ vẽ Lương Quang Duyệt phụ trách phần trang trí...
Các công trình chính của cung An Định bao gồm đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài và một số công trình phụ như chuồng thú, nhà ngang...
Trong đó lầu Khải Tường và nhà hát Cửu Tư Đài là những công trình được trang trí lộng lẫy theo phong cách kiến trúc tân cổ điển của Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Do đó, đây là một công trình kiến trúc khác biệt hoàn toàn giữa vô số Di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế hiện nay.
Cung An Định có tổng cộng 3 tầng, 22 phòng: Tầng 1 có 7 phòng trang trí rất lộng lẫy, đại sảnh là không gian nổi bật nhất; tầng 2 gồm 8 phòng, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng 3 có 7 phòng là nơi ở cũ của đức Từ Cung thái hậu và nơi thờ tự. Tại đây, nhiều bức tranh tường có tuổi đời ngót nghét 100 năm, là các tác phẩm hội họa đẹp mắt của giai đoạn chuyển tiếp giữa mỹ thuật truyền thống với mỹ thuật mới ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Ngày nay, cung An Định được biết đến là một địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và check-in.
Với không gian sang trọng, cổ điển, cung An Định là nơi lý tưởng cho du khách chụp hình lưu niệm, đặc biệt là giới trẻ.
Bạn Ngọc Anh - khách tham quan đến từ Quảng Trị chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình đặt chân đến cung An Định. Sau khi tham quan, mình thấy ở đây rất sang trọng, lộng lẫy và có rất nhiều tư liệu hay, mình rất ấn tượng với công trình này”.
Nữ du khách Rosa đến từ Ý cho rằng, cô ấy đã tới Thái Lan, ở đó có nhiều ngôi chùa, tuy nhiên cung điện như thế này thì cô ấy chưa thấy bao giờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn