MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Muống hiện là ngôi chùa có nhiều tháp nhất tỉnh Hải Dương với hơn 30 tháp lớn, nhỏ, có tháp tuổi đời hơn 600 năm. Ảnh: Mai Dung

Ngắm ngôi chùa hơn 700 năm tuổi có nhiều tháp nhất tỉnh Hải Dương

Hoàng Khôi LDO | 03/09/2023 09:46

Hơn 7 thế kỉ tồn tại, chùa Muống (xã Ngũ Phúc, Kim Thành, Hải Dương) hiện có 32 ngôi tháp cổ lớn nhỏ, chủ yếu là tháp đá thời Lê và thời Nguyễn, là ngôi chùa có nhiều tháp nhất tỉnh Hải Dương.

Theo thông tin từ Sở Văn hoá Thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương, chùa Muống xã Ngũ phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có tên tự là Quang Khánh tự, đã tồn tại được 7 thế kỷ và hiện nay là trung tâm tôn giáo lớn của huyện Kim Thành. Chùa Muống là nơi thờ phật theo thiền phái Trúc Lâm, đồng thời là nơi thờ nhà sư Tuệ Nhẫn - môn đệ trung thành của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Nhà sư còn có công truyền giáo lý và xây dựng 72 ngôi chùa lớn nhỏ. Đối với nhân dân làng Muống, nhà sư không chỉ là người có công xây dựng chùa, mà ông còn là người đầu tiên khai khẩn đất đai, lập nên làng Muống ngày nay.
Chùa có quy mô tới 120 gian lớn nhỏ, xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" trên khuôn viên rộng 15.000m2, bao gồm tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà tăng, hành lang, gác chuông, gác khánh...
Theo đại diện Chùa Muống, chùa có hơn 30 ngôi tháp chia làm 4 khu, trong đó khu ít nhất có 2 ngôi tháp ở ngay khu vực cổng.
Một số ngôi tháp không ghi niên đại, ước chừng khoảng 600 năm, có ngôi mộ ghi niên đại được xác định hơn 300 năm. Hiện, chưa có ngôi chùa nào ở Hải Dương sánh kịp chùa Muống về số lượng tháp. Chị Nguyễn Thị Huê (37 tuổi, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết: “Lễ Vu lan này, tôi cùng bạn bè đến tham quan, dâng hương tại chùa Muống và rất ấn tượng với khu vườn tháp. Mỗi ngôi tháp có một kích thước, kiến trúc khác biệt, tôn lên nét trang nghiêm, cổ kính cho ngôi chùa“.
Mỗi ngôi tháp có một nét kiến trúc riêng biệt, làm đa dạng khu vườn tháp lớn nhất tỉnh Hải Dương.
Các ngôi tháp ở chùa Muống chủ yếu là tháp đá thời Lê và thời Nguyễn. Trên nhiều ngôi tháp còn lưu giữ nét kiến trúc độc đáo với hàng chữ cổ, hoa văn chủ yếu là hình tượng hoa sen, đám mây.
Trải bao thăng trầm của lịch sử, hầu hết các công trình của chùa đã bị phá huỷ trong kháng chiến. Hoà bình lập lại, nhất là từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 cho đến nay, chùa Muống được hồi sinh. Nhiều công trình được khôi phục như nhà tổ, tăng phòng, chùa chính... Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc cho biết, địa phương giao nhà chùa cùng phật tử thường xuyên chăm lo, dọn dẹp khuôn viên chùa, đặc biệt là khu vườn tháp.
Với ý nghĩa lịch sử, năm 1992, chùa Muống được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, chùa Muống đón hàng nghìn lượt nhân dân, du khách tham quan, vãn cảnh, dâng hương, nhất là vào dịp lễ hội chùa Muống kéo dài 4 ngày từ ngày 24 đến ngày 27 tháng Giêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn