MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngắm nhìn nét óng ả của làng nghề truyền thống nuôi tằm, ươm tơ Thái Bình

MINH ÁNH LDO | 17/11/2020 10:30
Xã Hồng Lý (Vũ Thư - Thái Bình) xưa nay nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, trong đó phải kể đến nghề nuôi tằm, ươm tơ. Từng được gọi là làng nghề, thế nhưng đến nay khi về với Hồng Lý, cũng chỉ có 2, 3 nhà là còn bám lấy nghề.
Về với vùng đất Vũ Thư (Thái Bình) - nơi từng được mệnh danh là thủ phủ của nghề “ăn cơm đứng“, ươm tơ, chỉ còn rất ít hộ đang còn giữ bếp lửa cho nghề ươm tơ, dệt lụa.
Ở những thời kỳ hoàng kim của nghề ươm, dệt tơ tằm, xã Hồng Lý, Hồng Xuân có đến hàng trăm hecta trồng dâu, thu hút hàng nghìn hộ gia đình của hai HTX Hồng Xuân và Tam Tỉnh tham gia sản xuất. Gắn với trồng dâu, nuôi tằm, cứ 2 - 3 hộ gia đình thường hình thành một tổ ươm tơ, tự quay tơ sau khi sản xuất kén, vì thế làng nghề lúc nào cũng nhộn nhịp, cánh đồng dâu luôn xanh tốt và bếp than ươm tơ lúc nào cũng đỏ lửa.
Tuy nhiên hiện nay nhiều nhà đã gần như bỏ nghề, hiện cả xã Hồng Xuân từng có cả trăm hộ nay chỉ còn có 2 hộ, trong khi đó năm nay do những ảnh hưởng, tác động từ dịch COVID 19 đến nguồn cầu nên người làm nghề dệt tơ tằm càng gặp nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Duy Thụ, 48 tuổi, người làm nghề dệt tơ tằm tại xã Hồng Xuân, huyện Vũ Thư chia sẻ: Năm nay do ảnh hưởng dịch COVID nên thị trường tiêu thụ tơ và kén tằm chậm hơn mọi năm. Giá kén hiện tại dao động từ 60 đến 70 ngàn đồng/kg, giảm hơn những năm trước từ 20 đến 30 ngàn đồng/kg. Lượng tơ thu hoạch được từ đầu năm đến nay vẫn còn trong kho bảo quản, chưa thể xuất ra nước ngoài hoặc bán cho thương lái.”
Công việc ươm tơ có rất nhiều công đoạn, và rất vất vả. Khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải canh nắng nhẹ sao cho kén khô, thơm, để khi ươm tơ kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng. Kết quả những sợi tơ dệt nên đều vàng ươm, cứng và chắc chắn.
Chị Nguyễn Thị Lưu, người làm thêm cho anh Thụ đang bốc những kén tằm đã phơi khô để chuẩn bị cho công đoạn kéo tơ.
Dù phải khẳng định việc ngồi làm công việc này rất vất vả, hơi nóng toả vào mặt đôi lúc khó chịu nhưng chị vẫn gắn bó với công việc này nhiều năm nay, chị chia sẻ: “Mỗi ngày làm việc từ 1 rưỡi chiều, anh Thụ trả 230.000 nghìn một ngày. Nói chung công việc cũng ổn định vì làm quanh năm suốt tháng.”
Chia sẻ với phóng viên, các chị cho biết, ngồi kéo tơ tằm trông đơn giản nhưng cũng rất vất vả, ngồi một lúc là không chịu được vì hơi nóng bốc lên, phà vào mặt vừa nóng mắt vừa dát. Phía sau các chị thường phải có một chiếc quạt điện để quạt bớt đi hơi nóng. Thế nhưng, các chị vẫn phải đeo khẩu trang, quấn khăn, đội mũ kín mít. Có lẽ những ngày trời oi bức, công việc sẽ còn vất vả hơn rất nhiều.
Tằm nuôi để ươm kén, lấy tơ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Trước đây dùng guồng quay tơ bằng thủ công nhưng lâu nay có máy móc hỗ trợ nên công việc cũng phần nào đỡ vất vả và tiết kiệm thời gian hơn, giúp tăng năng suất lên cao hơn.
Sau khi được thả vào nước nóng và đảo đều, kén mềm và bong áo kén ra ngoài, các thợ sẽ tìm mối gốc của tơ để rút ra và chập 10 sợi tơ lại thành 1 và quấn vào con quấn tơ chuyên dụng. Sợi tơ sau khi được kéo gọi là tơ thô.
Sau khi kéo tơ, các cuộn tơ thô sẽ được phơi khô, và chờ đến khi đủ lượng hàng sẽ chuyển về các nhà dệt ở dưới Nam Định dệt. Thu nhập từ công việc này tuy không nhiều nhưng cũng đủ để gia đình anh Thụ trang trải cuộc sống của gia đình 5 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn