MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngắm nhìn ngôi đền Tranh tráng lệ, thờ vị thần cai quản sông nước Hải Dương. Ảnh: Lương Hà

Ngắm nhìn ngôi đền Tranh thờ vị thần cai quản sông nước ở Hải Dương

Lương Hà LDO | 10/03/2023 08:15

Hải Dương - Sau 439 ngày tu bổ (từ ngày 16.2.2009 - 2010), ngôi đền cổ thờ Quan lớn Tuần Tranh ở Hải Dương là công trình có các hạng mục kiến trúc đồ sộ, mang phong cách thời Nguyễn.

Ngôi đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh (hay còn gọi là đền Tranh) là di tích Lịch sử - Văn hóa, nằm ở gần bến đò Tranh thuộc thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.  
Theo đó, Đền Tranh tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng rộng, độc lập với dân cư làng Tranh Xuyên. Mặt tiền quay về hướng Nam, nhìn về thị trấn Ninh Giang, phía Bắc và phía Nam giáp đường, phía Tây giáp khu chùa mới xây dựng.
Đền Tranh thờ vị quan Tuần Phủ được giao cai quản ngã 3 sông Chanh, nơi giao nhau của 3 vùng đất Ninh Giang (Hải Dương) - Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - Thái Bình.
Toàn bộ không gian đền được thiết kế theo quy mô hoành tráng với 34 gian lớn nhỏ, bao gồm: 7 gian Tiền tế, 7 gian trung từ, 7 gian nhà nối, 3 gian cổ dải, 3 gian hậu cung, 7 gian đông vu cùng nhiều công trình phụ trợ khác. 
 Tòa tiền tế gồm 7 gian dài, 20,3 m, rộng 9,84m. Đây là một tòa nhà khá lớn, kết cấu chính là 8 vì kèo bê tông cốt thép chắc chắn hệ thống cột cái, cột quân, xà lách bằng toàn bộ bê tông được tạo dựng khá đẹp mắt.  
Tiếp đó là toà Trung từ gồm 7 gian dài 18,4 m, rộng 3,8 m. Kết cấu toàn bộ phần khung sườn của toà này bằng bê tông cốt thép, trụ, đấu, hoành, rui, bẩy hiện bằng gỗ tứ thiết.  
 Điểm nhấn nhất ở đây là các vì kèo kiến tạo theo kiểu "kẻ chuyền chồng chóp" khá đẹp.
Ngăn cách giữa 3 gian cổ dải là hệ thống cửa 3 gian hậu cung, đồng thời là 3 gian “cung cấm” của ngôi đền dài 7,79m, rộng 7,79 m. Hậu cung đền có kiến trúc kiểu “chồng diêm cổ các", gồm 4 cột tứ trụ, tạo ra 2 vì kèo chính và là công trình cao hơn hẳn các công trình phía trước.
Cuốn thư, linh vật, hoa văn được các nghệ nhân xưa thổi hồn vào từng đường nét điêu khắc tinh xảo, mềm mại nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, linh thiêng. 
Những tháng đầu năm, ngồi đền linh thiêng này thu hút hàng vạn du khách và nhân dân về tham quan, chiêm bái. Chị Nguyễn Thúy Mai (Hải Dương) - cho biết: "Là người dân vùng này nên tôi biết đến Đền Tranh từ rất lâu rồi, năm nào tôi cũng dành thời gian đến đền cầu may mắn, bình an cho cả gia đình."

Trao đổi với Lao Động, đại diện Ban quản lý di tích Đền Tranh cho biết, Di tích lịch sử Đền Tranh đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 2009. 

Vừa qua, ngày 1.3.2023, UBND huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) cũng đã tổ chức Lễ hội Đền Tranh và công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh lễ hội Đền Tranh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn