MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngắm nhìn những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn làm thay đổi bộ mặt TPHCM

Anh Tú - Phương Ngân LDO | 05/09/2023 07:00

Những cây cầu vượt bắc qua sông Sài Gòn ngày càng lớn hơn, hiện đại hơn, làm thay đổi bộ mặt TPHCM, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thành phố khi việc lưu thông ngày càng thuận lợi.

Diện mạo TPHCM ngày càng có sự thay đổi rõ rệt và phát triển mạnh mẽ. Sự thay đổi đó không thể không kể đến vài trò của những cây cầu vượt bắc qua sông Sài Gòn và cầu Sài Gòn là một trong những cái tên được nhắc đến.
Cầu Sài Gòn nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với Xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức) được xây dựng, hoàn thành vào năm 1961, với chiều dài gần 1km, gồm 32 nhịp. Đây là một trong những cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn. Đến năm 2013, để đáp ứng nhu cầu giao thông của thành phố, cầu Sài Gòn 2 được xây dựng song song với cầu Sài Gòn hiện hữu, cạnh đó là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM.
Cho đến khi đường hầm sông Sài Gòn được xây dựng xong thì cầu Sài Gòn vẫn giữ vai trò là cửa ngõ chính để vào nội ô thành phố từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Cầu Bình Lợi nằm trên tuyến Phạm Văn Đồng, nối TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh, Gò Vấp - là cửa ngõ quan trọng của sân bay Tân Sơn Nhất giúp giải tỏa giao thông khu vực phía Đông cửa ngõ Tân Sơn Nhất.
Cầu Bình Lợi gồm hai nhánh có chiều dài 1.100 m (bao gồm cả đoạn cầu vượt quốc lộ 13), mỗi nhánh rộng 24 m với 6 làn xe. Cầu nằm song song với cầu đường sắt Bình Lợi và được thông xe năm 2013. Điểm nhấn của cầu là vòm Nielsen cao 35 m, rộng 28 m và dài 150 m, được làm từ khoảng 3.000 tấn thép.
Cầu Phú Mỹ nằm trên tuyến đường vành đai 2 TPHCM, đây là cây cầu dây văng lớn nhất TPHCM có 6 làn xe, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7).
Cầu Phú Mỹ đưa vào sử dụng giúp việc lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn từ miền Bắc, miền Trung đi Đồng bằng sông Cửu Long (qua địa phận TPHCM) được rút ngắn.
Sau khi cầu Phú Mỹ và các đường vành đai nối đến cầu hoàn thành sẽ góp phần làm giảm quá tải cho hệ thống giao thông đường bộ ở TPHCM, khi đó, xe container sẽ không vào nội thành, góp phần giảm ô nhiễm và tai nạn giao thông.
Cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) chính thức thông xe vào năm 2022. Nhịp chính của cầu có thiết kế dây văng bất đối xứng, với trụ tháp hình vòm cao 113 m nghiêng về phía Thủ Thiêm, TP Thủ Đức với bề mặt được đỡ bằng 56 bó cáp dây văng.
Cầu Ba Son kết nối giữa TP Thủ Đức và Quận 1 là điểm nhấn kiến trúc mới trên sông Sài Gòn, đồng thời thay đổi diện mạo đô thị phía Đông thành phố, đặc biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong tương lai thành phố sẽ có thêm cầu Thủ Thiêm 3, 4, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị TP và thúc đẩy sự phát triển của TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn