MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẻ đẹp nên thơ hai bên bờ hạ nguồn sông Hồng đổ ra biển, nơi có Cửa Ba Lạt và Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Trung Du

Ngắm rừng ngập mặn, cảnh quan hai bờ sông Hồng đoạn qua Cửa Ba Lạt ra biển

TRUNG DU LDO | 20/02/2024 06:00

Cửa Ba Lạt là đoạn cuối cùng trên hành trình sông Hồng chảy về, hòa mình vào biển Đông. Trên khu vực này có Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) rộng lớn nằm bên phải và một vùng rộng lớn rừng ngập mặn phía huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) nằm bên trái. Tại đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, nhiều sinh vật quý hiếm đã, đang được bảo tồn, gìn giữ và phát triển.

Cửa Ba Lạt là nơi gặp nhau, giao thoa giữa sông Hồng và biển Đông với khung cảnh sông biển, mây trời bao la, hùng vĩ. Cửa sông Ba Lạt ở phía Bắc giáp xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định); phía Nam giáp với xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Doi đất ngay bờ tại phía Bắc chính là Cồn Vành thuộc huyện Tiền Hải, doi đất ngay phía bờ Nam chính là Cồn Lu thuộc huyện Giao Thủy. Xa xưa, Cửa Ba Lạt chính là cửa ngõ quan trọng trên đường thủy để có thể di chuyển vào đến Thăng Long (Hà Nội) và ngày nay nó chính là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Nam Định - Thái Bình.
Là vùng nước giao thoa giữa sông và biển nên dòng nước chính ở khu vực này là nước lợ, nơi cửa biển nước có độ mặn càng cao và sẽ nhạt dần khi đi sâu vào phía thượng nguồn sông Hồng. Về mùa khô hanh, khi nước trong sông Hồng và hệ thống sông nội đồng cạn dần thì nước biển sẽ càng xâm lấn sâu hơn vào phía đất liền. Do đó, chỉ các loài cây chịu mặn như đước, sú, vẹt mới có thể mọc, sinh sôi, xanh tốt ở đây.
Vườn quốc gia Xuân Thủy chính là một trong những lý do khiến nhiều người mong muốn ghé thăm cửa sông Ba Lạt. Chính phù sa từ sông Hồng và biển đã tạo nên khu đất ngập nước cho nhiều loài động thực vật hoang dã, chim di cư quý hiếm đến cư trú... Nơi đây cung cấp rất nhiều các loại thuỷ sản phong phú cho các loại chim di trú đến từ phương Bắc.
Một lạch sông nhánh trên sông Hồng đoạn qua xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).
Trong khu vực quanh Cửa Ba Lạt, ngoài Vườn quốc gia Xuân Thủy bên phía huyện Giao Thủy còn có khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là nơi trú ngụ và dừng chân của hàng ngàn loài chim với hệ sinh thái thực vật đa đạng, phong phú. Hiện, khu bảo tồn có khoảng 200 loài chim, thuộc 31 họ, 14 bộ, trong đó, có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Ở đây còn có nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn, ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: cò thìa, rẽ mỏ thìa, choắt chân vàng lớn, cò trắng Trung Quốc, te vàng, choắt mỏ vàng, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông...
Một ngôi nhà tạm của người dân xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy nằm sát cạnh cửa cống nhỏ đổ ra sông Hồng. Tại các mang cống này, người dân đặt đáy, lờ để đánh bắt các loài tôm, cua, cá từ sông Hồng theo thủy triều lên vào trong vùng, đầm mắc lại khi thủy triều rút đi.
Một chiếc chòi canh hầu như lúc nào cũng có từ 1 - 2 người túc trực, làm nhiệm vụ quan sát, bảo vệ các tác động từ bên ngoài có thể xâm phạm đến Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Một ngôi nhà tạm nằm trên đê, sát mép sông Hồng bên phía xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải. Đây là nơi người dân thuê các diện tích đất bồi nằm giữa đê bao bên ngoài và dải đê bên trong để phát triển nuôi trồng các loài thủy sản nước lợ như tôm, cá, cua.
Bến đò nối giữa xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) và xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) qua sông Hồng. Đây cũng là bến đò cuối cùng trong vô số những bến đò, phà tồn tại trên sông Hồng tính từ thượng nguồn. "Tới đây, có thể khi cầu sông Hồng nằm trên tuyến đường bộ ven biển nối hai tỉnh hoàn thiện, bến đò này sẽ không còn nữa. Tuy vậy trong ký ức của tôi và bạn bè cùng trang lứa chắc chắn sẽ không bao giờ quên cảnh xếp hàng, đợi đò qua lại mỗi ngày giữa hai địa phương", ông Bình - trú tại xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) - chia sẻ.
Bên cạnh việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị tự nhiên, những năm qua chính quyền và nhân dân, các tổ chức đoàn thể của hai địa phương Thái Bình - Nam Định đã, đang đặc biệt quan tâm, chăm lo công tác trồng mới những cây nhỏ chịu mặn để gây rừng ngập mặn, phủ xanh giữ đê, kè ven sông Hồng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn