MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đền Nghè - Di tích quốc gia nổi tiếng toạ lạc ngay trung tâm thành phố. Ảnh: Mai Dung

Ngày xuân ghé thăm đền Nghè - di tích nổi tiếng bậc nhất Hải Phòng

Mai Dung LDO | 13/02/2024 14:00

Toạ lạc ngay trung tâm TP Hải Phòng, đền Nghè là địa chỉ tâm linh, điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của thành phố Cảng. Di tích lịch sử đền Nghè là một di sản văn hoá "viên khung" của thành phố, nơi bảo tồn nhiều nếp sinh hoạt cổ phong lành mạnh, góp phần làm phong phú kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể của người Hải Phòng.

Nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng thuộc phường Mê Linh (nay là phường An Biên, quận Lê Chân), đền Nghè là Di tích lịch sử văn hoá thờ nữ tướng Lê Chân. Bà quê ở làng An Biên (thuộc Đông Triều, Quảng Ninh) đã đến vùng đất nơi ngã ba sông Tam Bạc đổ vào sông Cấm, lập ấp Vẻn, sau đổi là An Biên Trang, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40 - 43) chống quân Đông Hán xâm lược. Bà là một nữ tướng tài ba, anh dũng, lập nhiều chiến công vang dội trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, được Trưng Vương phong chức Chương quản binh quyền nội bộ, giao trọng trách trấn giữ miền Hải Tần.
Để tưởng nhớ công lao của nữ tướng, người lập ra làng An Biên xưa và đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay, nhân dân đã lập lên toà miếu An Biên thờ Bà. Buổi đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ lợp tranh, đến năm 1919, được xây dựng khang trang. Đền Nghè hiện nay là một công trình mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX bao gồm: tam quan, toà bái đường, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá. Sau lại làm thêm toà tứ phủ.

Toà bái đường gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 16 cột lim, kê trên 16 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ. Chính giữa nóc nhà bái đường đắp nổi hàng chữ Hán lớn “An Biên cổ miếu“.

Toà bái đường treo khánh đá chạm nổi đề tài vũ hội long vân đường nét tinh vi, mềm mại, uyển chuyển. Ở toà thiêu hương có chiếc sập đá đồ sộ, tạo bằng khối đá liền, chạm nổi hình chim, thú, hoa, lá rất công phu.

Phía sau Thiêu Hương, nằm sâu trong cùng của Điện thờ chính là Hậu cung, nơi đặt ban thờ Nữ tướng Lê Chân. Các công trình kiến trúc của đền Nghè tạo thành một tổng thể không gian kiến trúc khép kín, tuân thủ theo phong cách cổ truyền dân tộc. Thông qua các đồ án trang trí thể hiện kiến trúc để phản ánh ước mơ, nguyện vọng của người đương thời và là “thông điệp văn hoá” gửi lại cho đời sau.

Toà thiêu hương vuông vức, hai tầng với tám mái đao cong vút, đắp “rồng chầu, phượng đón” vươn lên trong không trung tựa như những cánh tay thôn nữ trong động tác múa đèn.

Toà hậu cung 3 gian được xây dựng theo lối “chồng diêm tầng 4 mái“. Mặt ngoài chồng diêm của toà hậu cung, nơi có điều kiện phô diễn vẻ đẹp, người ta đắp nổi phù điêu trang trí, mô phỏng các điển tích như: An Tử Sơn, Ngô vương đề cờ, Trưng Vương dấy quân.
Ngoài đền thờ chính, di tích đền Nghè còn có điện Tứ phủ. Điện nhìn ra phố Lê Chân thông qua cổng chính.
Tứ phủ là nơi thờ 4 vị thần cai quản trời, đất, núi, sông và cũng mang nhiều dấu ấn kiến trúc tương đồng và giá trị.
Thăm đền Nghè, khi bước qua cổng chính nhìn sang bên hữu, du khách sẽ bắt gặp một kiến trúc đẹp. Đó là nhà bia được xây và trang trí theo kiểu dáng của long đình. Chính giữa dựng tấm bia đá cao 1,5 m, rộng 0,85 m; dày 0,2 m. Nội dung minh văn khắc ghi về tiểu sử, sự nghiệp của bà Lê Chân bằng chữ Hán.
Cổng đền Nghèlà một công trình kiến trúc đồ sộ, đẹp và hoành tráng như cổng các cung điện, lăng tẩm, đền đài thời trung cổ.
Đền Nghè được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1975. Hàng năm, vào những ngày lễ tết, đặc biệt là ngày sinh và ngày giỗ của nữ tướng Lê Chân, đền thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc và ý nghĩa để tưởng nhớ về vị nữ tướng tài ba của Hải Phòng. Đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Hải Phòng. Ảnh: Bảo tàng Hải Phòng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn