MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghệ nhân U70 "biến hoá" đình làng hơn 300 năm thành mô hình siêu nhỏ

Tạ Quang - Ngọc Lê LDO | 25/03/2021 15:00

Hơn 50 năm gắn bó với nghề mộc, ông Phan Lạc Hùng ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã chế tạo ra mô hình đình làng Hữu Bằng siêu nhỏ với độ giống đến 99%, nhờ đôi tay tài hoa, khéo léo.

Đình Hữu Bằng nằm ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) được nhiều người biết đến không chỉ qua các di vật quý giá mà còn qua giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc biệt. Ngôi đình tồn tại hơn 330 năm này trở thành nơi tụ điểm văn hóa xã hội của 9 thôn trong xã.
Bằng tình yêu quê hương và 50 năm kinh nghiệm trong nghề mộc, ông Phan Lạc Hùng đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài chế tác ra mô hình đình Hữu Bằng. Mô hình đình làng Hữu Bằng được lên ý tưởng trong 3 năm và mất hơn 2 năm để gia công. Ông Hùng đã dành ra từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày để hoàn thiện tác phẩm của mình.
Tác phẩm được làm từ chất liệu gỗ và nhôm, của ông Hùng đã đạt đến trình độ tinh xảo gần 99% từ những chi tiết nhỏ nhất.
Ông Phan Lạc Hùng cho biết, sở dĩ những chi tiết ở mô hình đình làng Hữu Bằng thu nhỏ có tỉ lệ chính xác đáng kinh ngạc là do đã đo đạc rất tỉ mỉ: "Việc đầu tiên tôi phải làm bản vẽ, kẻ diện tích khuôn viên ngôi đình. Lấy đình chính làm chuẩn, chia theo đúng tỉ lệ bản gốc. Lấy 1 phân nhân 3 là ra tỉ lệ. Nhiều cái phải trèo leo, đo đạc trực tiếp rồi mới thiết kế từng cột, từng con song".
Nghệ nhân đã rất tỉ mỉ để làm từ những chi tiết nhỏ nhất như tấm ngói bằng gỗ ép được cắt y hệt tấm ngói được lợp ở đình. Mô hình đình làng Hữu Bằng sử dụng khoảng 70 nghìn viên ngói. Mỗi ngày ông Hùng chỉ dập được 1.500 viên và mất khoảng 2 tháng mới làm xong chi tiết mái ngói.
Những chi tiết khác như mộng nhỏ trên cột, khung cửa hình chữ thọ, nền gạch… đều được chế tác khá tỉ mỉ và tinh vi.
Biểu tượng "lưỡng long chầu nguyệt" được phục dựng một cách khéo léo.
Chia sẻ về quá trình làm tác phẩm, ông Phan Lạc Hùng chia sẻ: "Vào những ngày trời nắng nóng, tôi không dám bật quạt vì sợ các chi tiết nhỏ bị bay và phải bỏ công làm lại từ đầu".
Không cần sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại, ông Hùng dùng mắt thường và đôi bàn tay khéo léo của mình đã tạo ra một mô hình đình làng Hữu Bằng không còn chỉ để cho vui mà đã trở thành một kiệt tác để đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn