MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghệ sĩ múa rối dốc sức tập luyện và sáng tạo cho tác phẩm mới sau COVID-19

KHÁNH LINH - ANH TÚ LDO | 06/12/2021 06:00

TPHCM - Ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà hát, sân khấu nghệ thuật đều lao đao vì không được biểu diễn, phía dưới ánh đèn sân khấu không có khán giả và loại hình nghệ thuật múa rối, múa rối nước cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Những người nghệ sĩ chỉ biết ngày đêm luyện tập chờ đến ngày sân khấu sáng đèn.

Múa rối nước ra đời vào khoảng năm 1121, thời vua Lý Nhân Tông. Loại hình nghệ thuật múa rối nước góp phần tái hiện lại những sinh hoạt đời thường của người nông dân Việt cổ - một nền văn hóa lúa nước lâu đời.
Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh tại TPHCM mà trong nửa năm qua, các hoạt động biểu diễn múa rối và múa rối nước đều bị "đóng băng". Không có khách, cũng không có một buổi biểu diễn chính thức nào được tổ chức. Thời gian này, đoàn nghệ sĩ múa rối chỉ tập trung sáng tác các vở diễn, trích đoạn mới... để chờ đến ngày được biểu diễn trở lại.
Từ khi dịch bệnh ổn định, những nghệ sĩ, diễn viên múa rối ngày ngày tập luyện cho vai diễn mới. Cùng với đó, do thiếu nhân sự, một số diễn viên nay còn đảm đương thêm công việc tạo hình rối.
Anh Lê Văn Lai - Nghệ sĩ múa rối tại nhà hát nghệ thuật Phương Nam đã gắn bó với nghề 17 năm tâm sự, từ khi làm nghề chưa bao giờ công việc gián đoạn như hiện tại. "Không có điểm diễn, không có kinh tế, tôi mong rằng anh chị em nghệ sĩ chúng tôi sẽ sớm được gặp lại khán giả. Chúng tôi nhớ ánh đèn, nhớ tiếng vỗ tay của khán giả dữ lắm rồi"- anh Lai nói.
Một nghệ sĩ rối nước đang kiểm tra lại động tác của các con rối nước khi diễn tập. Trong thời gian kể từ khi dịch bệnh được kiểm soát, những người nghệ sĩ múa rối ngày đêm tập luyện gấp đôi gấp 3 để thực hiện những tác phẩm mới.
 Phía trên, một đoàn nghệ sĩ đang tập luyện một trích đoạn trong vở tuồng cổ Sơn Hậu, trích đoạn Ôn Đình chém Tá.
 Sơn Hậu (hay còn gọi là San Hậu) chính là một trong những vở kinh điển nhất trong kho tàng nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc. Những tích từ vở này như “Khương Linh Tá thử Lê Tử Trình”, “Kim Lân Qua Đèo”, “Ôn Đình chém Tá”,... đều đã trở thành những trích đoạn nổi tiếng của nghệ thuật Việt.
Chị Đinh Thị Thu Thủy - Đạo diễn chương trình nghệ thuật rối mong muốn thông qua loại hình nghệ thuật giải trí truyền thống này, người xem, nhất là khán giả nhí và khán giả trẻ tuổi thêm hiểu hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc. “Mặc dù dịch bệnh làm mọi thứ khó khăn hơn nhưng tôi với cương vị là đạo diễn cũng như các anh em nghệ sĩ rất hào hứng và hăng say tập luyện để trong thời gian này có thể cho ra mắt tác phẩm mới với hy vọng sẽ được khán giả đón nhận“- chị Thủy chia sẻ.
 Không khí tại phòng chế tác cũng tất bật không kém so với phía ngoài sân khấu. Khi hiện thực hóa một tác phẩm mới đến với khán giả, tất cả các con rối đều được làm với tất cả tâm huyết và sự tỉ mỉ.
Với khách du lịch, từ lâu, loại hình nghệ thuật độc đáo này luôn là món “đặc sản” mà họ muốn được thưởng thức khi đến TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn