MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghẹt thở với cảnh sinh viên TPHCM chen chúc nhau đi xe buýt

NGỌC ÁNH - MỸ LỆ LDO | 21/09/2023 06:30

TPHCM - Với nhiều sinh viên hiện đang sinh sống và học tập tại Kí túc xá (KTX) khu B - Đại học Quốc gia TPHCM, việc đến trường bằng xe buýt là lựa chọn hàng đầu vì tiết kiệm chi phí và an toàn. Tuy nhiên, cảnh tượng hàng chục người chen chúc nhau trên xe buýt vào sáng sớm cũng khiến nhiều sinh viên ngao ngán.

Nằm ở địa phận giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, KTX khu B (Đại học Quốc gia TPHCM) không khác gì một khu biệt lập. Đoạn đường đi từ đây đến các trường trong làng đại học cũng khá xa, lại vắng vẻ nên xe buýt là lựa chọn tối ưu của đa số sinh viên.
Cứ vào 6h30 sáng mỗi ngày, hàng trăm sinh viên lại đứng chờ xe buýt ở khu vực điểm đón buýt trước cổng KTX Đại học Quốc gia TPHCM. Cảnh tượng xếp hàng hết lớp này đến lớp khác tại điểm đón đã không còn quá xa lạ đối với nhiều sinh viên đang học tập và sinh sống tại đây.
Với nhiều sinh viên, việc đi học bằng xe buýt đã trở thành nỗi ám ảnh trong nhiều năm học. “Những hôm dậy muộn không thể chen chân lên xe buýt được, lúc ấy phải đợi chuyến sau nhưng khả năng trễ học là rất cao. Nên cứ hôm nào phải học sáng là em lại thấy 'oải' vì phải dậy sớm cho kịp xe buýt” - Nguyễn Minh Đức, sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông tin cho biết.
Xe số lượng người đông nên nhiều sinh viên còn tranh nhau lên xe ở ngay "lối xuống" của xe buýt.
Khung cảnh bên trong xe buýt vào giờ cao điểm luôn trong tình trạng “chật cứng“. Nhiều sinh viên mệt mỏi vì luôn phải trải qua tình cảnh chen nhau trên xe buýt vào mỗi sáng đến trường.
Ngay trước cổng KTX khu B cũng xuất hiện nhiều tài xế xe công nghệ đang đứng đợi sẵn. Anh Hoàng Yên Linh (22 tuổi, ngụ Thủ Đức) cho biết vào giờ cao điểm sinh viên đi học, anh sẽ tranh thủ ghé qua khu KTX để đứng chờ khách đặt xe. “Đa phần các bạn chọn đi xe buýt, tuy nhiên cũng có nhiều bạn sát giờ học mới lật đật chạy ra cổng nên bắt xe ôm luôn cho nhanh“, anh Linh nói.
KTX khu B hiện có khoảng hơn 30.000 sinh viên đang sinh sống và học tập. Nhiều sinh viên sợ trễ học đã phải bắt xe ôm công nghệ với giá cao gấp 6 lần so với đi xe buýt. Số khác lựa chọn đi xe máy cho tiện lợi. “Vào sáng sớm, nghĩ đến cảnh phải chen chúc, len lỏi lên xe buýt là em đã muốn nghỉ học. Nhiều hôm, đợi mãi không lên được xe là phải đặt xe ôm công nghệ để kịp tới trường” - Thanh Nguyên - sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM chia sẻ.
Vào giờ cao điểm, xe buýt trở nên quá tải do hạn chế về chỗ ngồi và lượng sinh viên tăng cao. Điều này khiến nhiều sinh viên phải chen chân nhau trên xe buýt, thậm chí có người còn phải đứng sát cửa xe, rất nguy hiểm.
Tại khu vực Đại học Quốc gia, các tuyến xe buýt có thời gian hoạt động trong ngày từ 4 giờ 40 phút đến 21 giờ với tổng số chuyến xe thực hiện/ngày là khoảng 1.560 chuyến, thời gian cách giữa các chuyến bình quân khoảng 4-15 phút.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Lê Văn Hoàn - Đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM cho biết, vào đầu các năm học, trung tâm sẽ tăng số chuyến xe nhằm giảm thời gian giãn cách giữa các chuyến xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và sinh viên. Ngoài ra, trung tâm cũng chủ động theo dõi số lượng hành khách đã vận chuyển để có sự điều chỉnh biểu đồ chạy xe cho phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn