MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân đỡ khổ nhờ dự án di dân “lịch sử”

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN LDO | 26/06/2023 14:08

HUẾ - Sau mấy mươi năm “sống treo” trên di tích Kinh thành Huế, nhiều hộ dân đã có nơi an cư mới, họ không còn sống trong những khu nhà xập xệ, tạm bợ trên đất di tích; ai nấy đều phấn khởi, hạnh phúc khi vơi đi được cái khổ, cuộc sống dần ổn định.

Dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế có 2 giai đoạn, thực hiện trong 7 năm. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2019 đến năm 2021) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho gần 3.500 hộ dân. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2025) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho khoảng 1.950 hộ dân.
Theo đó, dự án đã tiến hành di dời hàng nghìn hộ dân sinh sống tạm bợ trên di tích Thượng Thành, Eo Bầu, Tuyến Phòng Lộ, Hộ Thành Hào chuyển đến khu tái định cư tại phường An Hòa và Hương Sơ, sau đó tiến đến trùng tu di tích, phát triển du lịch.
Đây được xem là một cuộc di dân mang tính lịch sử, rất nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Nhà nước và các bộ ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ.
Tại đây, người dân đã xây dựng những ngôi nhà mới khang trang bằng số tiền được đền bù và dần quen với cuộc sống ở vùng đất mới. Những lô đất còn trống sắp sửa được lấp đầy bằng những căn nhà mới vững chắc, những ngôi nhà bắt đầu san sát nhau.
Vui mừng nhất, có lẽ là những người dân tại đây, họ thuộc dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế vốn sống trong điều kiện khốn khổ, cái nghèo đeo bám đời này qua đời khác. Nhiều năm trước, khi chưa có dự án di dân, nhiều hộ gia đình sống tạm bợ trên di tích gần như không dám nghĩ đến một ngày sẽ có nơi ở mới đẹp như thế này.
Một trong số đó là hộ gia đình ông Ngô Hữu Chước (75 tuổi) cùng 6 thành viên là vợ, con và cháu. Trước đó, ông gia đình ông Chước sống trên Di tích Eo Bầu (thuộc Di tích Kinh thành Huế) với một tương lai vô định, khó khăn trăm bề.
Thế nhưng, đến nay một giấc mơ đã hiện thực đối với gia đình ông, dự án đã cho ông một nơi ở mới, khang trang, an toàn và thoải mái nơi khu tái định cư Bắc Hương Sơ.
Ông Ngô Hữu Chước trầm lặng kể về những khó khăn ngày xưa khi ở trên đất di tích. Nay có nơi ở mới tốt hơn, ông không giấu được sự phấn khởi, ông Chước nói: “Cuộc sống ở đây tốt hơn rất nhiều so với khi ở trong khu vực Eo Bầu, đường sá rộng rãi hơn, thoáng mát hơn. Đặc biệt, tôi có thể xây nhà vững chắc hơn để ở mà không lo mưa bão. Một cuộc di dân lịch sử mà tôi vẫn không thể ngờ là nó tốt như thế này, tuy giai đoạn đầu còn khó khăn nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ ổn định và tốt hơn rất nhiều”.
Bà Lê Thị Xuân (vợ ông Chước) tất bật dọn dẹp chuẩn bị để hàng ngày bán đồ ăn sáng cho bà con trong khu. Theo bà Xuân, mỗi ngày bà có thể bán được trên dưới 50 suất bánh canh, lời lãi không nhiều nhưng đủ để chi tiêu cho 2 vợ chồng ông bà.
Cách nhà ông Chước khoảng chừng 600m là ngôi nhà của hai vợ chồng bà Liễu (70 tuổi), ngày xưa sống trên di tích Thượng Thành và đã chuyển đến khu tái định cư Hương Sơ được 3 năm.
Bà Liễu cho rằng, việc chuyển ra khu tái định cư mới giúp bà cảm thấy thoải mái hơn, không gian được giao thoa giữa thành thị với nông thôn, vừa sạch sẽ, thông thoáng vừa yên tĩnh.
“Bán tạp hóa với những nhu yếu phẩm thông dụng là công việc chính của 2 vợ chồng tôi, con cái nay đã ổn định ở thành phố, hai ông bà chỉ trồng thêm chút rau, bán chút hàng tiêu dùng để sống dưỡng già, đỡ phải lo nghĩ”, bà Liễu bộc bạch.
Một ngôi trường mầm non khang trang đã được xây dựng.
Cũng có khu công viên rộng rãi với nhiều dụng cụ để tập luyện thể dục, đây cũng là nơi đông vui nhất vào cuối giờ chiều.
Cuộc di dân “lịch sử” đã đem lại cho những hộ dân khó khăn rất nhiều sự tươi mới, không gian mới, nhà ở mới và chặng đường mới. Tuy khu tái định cư mới chưa có nhiều hàng quán, khu mua sắm, dịch vụ nhưng bà con nơi đây vốn chịu khó, họ đã và đang bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới, hứa hẹn tương lai không xa sẽ ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn