MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân dùng đất bạc tỉ nuôi loài bò sát có giá bạc triệu mỗi ký

DUY TUẤN LDO | 19/02/2023 07:00

Bình Thuận – Con dông là một trong những đặc sản của vùng đất nắng gió Bình Thuận. Để cung cấp ra thị trường với nhu cầu ngày càng lớn, nhiều người dân ở xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết đã nuôi dông trên những khu đất của gia đình.

Những ngày giữa tháng 2 tại khu nuôi dông của ông Nguyễn Văn Hoàng tại thôn Thiện Hoà, xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết (Bình Thuận), chuồng nuôi con dông là một khu vực được che chắn bằng tôn xi măng tạo thành bờ tường rào khoảng 250m2.
Những tấm tôn xi măng được chôn sâu xuống đất và có độ nghiêng vô tâm để dông không trèo ra ngoài. Dông con được người dân bắt trong tự nhiên về bán lại cho các chuồng nuôi và nhân giống. Khí hậu, thổ nhưỡng nơi này thích hợp cho con dông cát sinh trưởng và phát triển.
Chuồng nuôi dông của ông Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1965) thả 10kg dông con, khoảng 800 con được mua với giá hơn 5 triệu đồng. Thời gian từ khi thả nuôi đến lúc thu hoạch là 6-8 tháng với trọng lượng khoảng 5 con/kg.
Bên dưới nền đất là nhiều hang sâu khoảng 1,5m do dông tự đào để trú ẩn. Khoảng 6-8h sáng là lúc dông từ dưới hang chui lên mặt đất phơi nắng. Khi ăn no, chúng tìm vào bóng mát dưới các tán lá dừa trong chuồng để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đặc tính của con dông rất nhát, khi nghe tiếng người sẽ chạy trốn xuống hang.
Thức ăn cho dông là rau muống, rau lang được trồng tự nhiên. Rau phải trồng tự nhiên, nếu là rau trồng có xịt thuốc bảo vệ thực vật thì dông ăn vào sẽ chết. Mỗi ngày cho dông ăn từ 1 đến 2 lần.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Nghề này đầu tư chi phí thức ăn và công chăm sóc ít, tuy nhiên để nuôi được dông thì cần có kinh nghiệm và có đất trống. Người nuôi phải hiểu đặc tính con dông, như dông không uống nước, uống nước thì thịt nhão. Hay phải nuôi dông trên nền đất cát, chứ nền đất thịt thì dông không sinh trưởng được do mưa xuống, nước đọng lâu rút nước và đất thịt gây nóng cho dông”.
Hiện nay, giá dông bán ra cho các thương lái dao động từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng/kg tùy vào chất lượng dông. Người nuôi thường bán dông trống, để lại dông mái để sinh sản, nhân đàn.
Thương lái thu mua về cung cấp cho nhà hàng, resort và các quán ăn. Ngay cả các hộ dân cũng tìm mua dông về chế biến các món ăn. Dông nấu được nhiều món dân giã mà ngon như nấu chua lá me, nướng (như hình), đổ bánh xèo, kho dừa khô, trộn gỏi,… và có trong thực đơn của các nhà hàng. Chính vì vậy, lượng hàng được đặt rất lớn, tuy nhiên, khả năng cung cấp hàng hiện giờ không phải lúc nào cũng có.
Dông nấu chua bằng lá cóc, một món ăn độc lạ nằm trong thực đơn của các nhà hàng khiến du khách tò mò thưởng thức.
Trước nhu cầu ngày càng cao về dông và có đầu ra ổn định, ông Hoàng dự định sẽ mở rộng diện tích nuôi dông. “Hiện nay vừa nuôi bán, vừa nhân giống để mở rộng quy mô nuôi. Nuôi dông phải có đất rộng, như khu vực đất của tôi gần dự án sân bay Phan Thiết cũng có giá khoảng 3 tỉ đồng/sào mà vẫn không bán đất, để đất nuôi dông và giữ đất”, ông Hoàng chia sẻ thêm.
Nghề nuôi dông ở Bình Thuận đã có từ lâu, khoảng từ năm 2006. Tuy nhiên khoảng 3 năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, không có đầu ra và rớt giá nên nhiều hộ dân bỏ nghề nuôi dông. Hiện nay du lịch Bình Thuận đã đông khách trở lại, nhu cầu thưởng thức các món dông tăng trở lại nên giá cao khiến người nuôi dông vui mừng và hồi sinh nghề nuôi dông trở lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn