MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân lo lắng kế sinh nhai trước đề án “Di sản đương đại Mang Thít"

Tạ Quang LDO | 28/02/2023 06:51

Vĩnh Long - Đề án Di sản đương đại Mang Thít, một điểm đến du lịch, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa,... Đồng thời, góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn không khỏi nơm nớp cho cuộc sống của hàng trăm người ở độ tuổi trên 50.

Được mệnh danh “vương quốc gạch”, làng nghề truyền thống sản xuất gạch, gốm huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) đang có nguy cơ mai một và lụi tàn... Đứng trước nguy cơ đó, năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít.
Đề án nhằm bảo vệ và phát triển “Vương quốc gạch” Mang Thít trở thành một quần thể Di sản đương đại, một điểm đến du lịch, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa,... Đồng thời, góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Vùng di sản có diện tích khoảng 3.060ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm khoảng 5.000ha thuộc 2 xã An Phước và Chánh An sẽ thuộc phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án.
Về chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thực hiện đề án Di sản đương đại Mang Thít (vương quốc gạch gốm Vĩnh Long), có khoảng 476 hộ dân trong vùng di sản được hỗ trợ từ chính sách. 
Tỉnh ban hành mức hỗ trợ, lò còn nguyên vẹn được hỗ trợ 15 triệu đồng/lò; lò đã hư hại hoặc bị phá dỡ một phần, độ cao từ 5m trở lên được hỗ trợ 10 triệu đồng/lò; lò chỉ còn phế tích, chân lò, độ cao dưới 5m được hỗ trợ 5 triệu đồng/lò. Chính sách này được thực hiện trong thời gian 1 năm và hỗ trợ 1 lần 100% mức hỗ trợ đối với từng loại lò.
Ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long thông tin, dựa trên cơ sở làng nghề không sản xuất nữa thay vì đập bỏ thì giữ lại để chuyển đổi cho người dân có công ăn, việc làm bằng hình thức kết hợp phát triển du lịch.
Bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1975, ấp Phú Hòa, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) chia sẻ: Để lò gạch tiếp tục hoạt động là tốt nhất, vừa tạo sinh kế cho bà con vừa giúp khách du lịch có thể tham quan quy trình hoạt động của lò gạch, từng khâu làm gạch như thế nào, đốt ra sao, chứ không chỉ tham quan sản phẩm gốm, sứ khi nó đã hoàn thiện.
“Có một số người không được bình thường nhưng họ chịu khó làm vẫn kiếm được thu nhập mỗi ngày từ lò gạch. Đối với các công ty, họ chỉ tuyển nhân viên từ 20 - 40 tuổi, còn ở đây người dân trên 50 - 60 tuổi vẫn có thể làm việc và kiếm được thu nhập hằng ngày, mỗi người trung bình 5 - 6 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng thêm các dịp lễ, tết. Tính ra những lao động lớn tuổi làm việc tại khu vực Mang Thít này cũng cả trăm người”, bà Huệ phân trần.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông Lê Văn Lớn (sinh năm 1951, ấp Phú Hoà, xã Nhơn Phú) cho hay, đây là nghề truyền thống hơn 100 năm qua.
Theo ông Lớn, làng nghề được nhà nước quan tâm là điều tốt. Nếu có hướng phát triển làng nghề thành khu du lịch thì ông rất đồng tình. Bên cạnh đó, cần bảo tồn, sửa sang cho đẹp và tiếp tục duy trì, giữ gìn làng nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn