MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân miền Tây thích nghi để sống chung với hạn mặn

Thành Nhân - Phương Anh LDO | 29/02/2024 17:27

Đang bước vào cao điểm mùa khô năm 2024, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL trở nên gay gắt hơn. Đã có kinh nghiệm ứng phó với vấn đề trên, người dân ở miền Tây phải thích nghi để sống chung với mặn.

Hàng năm, cứ vào mùa khô tình trạng xâm nhập mặn sẽ tấn công các tỉnh ven biển ở miền Tây.
Khi xâm nhập mặn tấn công phải đóng các cống lại. Do đó, nước trên các kênh nội đồng ở Sóc Trăng bắt đầu cạn dần.
Nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) bị chết do ngộ độc phèn, thiếu nước tưới.
Còn tại Bến Tre, người dân đã có kinh nghiệm trong việc đối phó với xâm nhập mặn. Theo đó, họ tìm mọi cách tích trữ nước ngọt trong mương ruộng để tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và tích trú nước mưa trong bồn để sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Nếu hết nước dự trữ thì người dân phải đi mua nước mưa hoặc nước giếng để sử dụng.
Chị Quỳnh - chủ tiệm rửa xe trên địa bàn xã Tân Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)- nói: “Hàng năm, vào mùa mưa thì người dân nơi đây nêu tích trữ nước mưa lại để sử dụng cho mùa khô năm sau. Do gia đình tôi kinh doanh rửa xe nên việc tích trữ không đủ nên phải mua nước ngọt thêm để sử dụng cho việc kinh doanh. Theo đó, giá mà người bán vận chuyển tới nhà là 70.000 đồng/m3 nước ngọt”.
Anh Trần Văn Nổi ở xã Tân Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) - cho biết, tuyến kênh gần nhà chưa khép kín nên năm nào mặn xâm nhập vào thì người dân ở đây toàn sống chung với mặn. Vì vậy, từ mùa mưa năm trước anh và bà con nơi đây đã tích trữ nước mưa ở các bồn chứa lớn để sử dụng cho mùa khô năm 2024.
Ông Võ Tiến Sĩ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre - cho biết, Công ty Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NNPTNT) đang quản lý 32 nhà máy nước. Trong đó, có 10 nhà máy lấy nước từ nguồn các lòng sông theo hệ thống vận hành thuỷ triều có độ mặn ổn định. Còn các nhà máy khác có độ mặn dưới 0,5% thì công ty nước đã lập dự trù kinh phí để vận chuyển nước ngọt về xử lý cung cấp cho người dân.
Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết, theo dự báo của các cơ quan chức năng, nguồn nước về mùa khô năm 2023-2024 ít, xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất rơi vào tháng 2 và tháng 3.2024. Ngoài ra, độ mặn sẽ lên xuống theo triều.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ - cho biết: Mùa khô năm 2024 sẽ khô hạn nhiều hơn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng ven biển ở miền Tây. Để giải quyết bài toán trên, thì cần phải tích trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt. PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm, đối với vùng cây ăn trái có nguy cơ hạn mặn thì phải chấp nhận giảm năng suất, để dưỡng cây cho mùa vụ sau. Đồng thời, chuẩn bị phương án vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn xuống hạ nguồn để kịp thời cung cấp cho người dân khi thiếu nước ngọt vượt qua hạn mặn năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn