MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân ở Bến Tre ròng rã đi xin từng can, thùng nước ngọt

Thành Nhân LDO | 28/03/2024 16:10

Hạn mặn kéo dài, nhà máy nước bị nhiễm mặn, người dân sinh sống ở xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) và xã Quới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) thiếu nước ngọt sử dụng. Họ phải ròng rã đi chở xin từng thùng, từng can nước ngọt về sinh hoạt.

Khoảng 1 tháng trở lại đây, người dân ở xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) và xã Quới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bị thiếu nước ngọt sử dụng nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, tại gần trụ sở Công an xã Quới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) và UBND xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) có điểm cho nước ngọt miễn phí để phục vụ người dân. Tuy nhiên, các điểm này chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu người dân nơi đây.
Người dân ròng rã mang can, thùng để xin nước ngọt chở về nhà sử dụng.
Anh Nguyễn Ngọc Thảo (ngụ ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) - cho biết, mỗi năm khi vào mùa nắng thì nguồn nước cấp từ trạm cấp nước bị nhiễm mặn. Người dân địa phương phải trữ nước hay đi xin hoặc mua nước ngọt để sinh hoạt. Dù nước nhiễm mặn chất lượng chưa đảm bảo nhưng công ty vẫn thu mức giá không thay đổi. “Mấy ngày nay, trạm cấp nước cho bà con đều là nước mặn không xài được, rửa rau để tới trưa là hư hết. Tắm cũng không được vì ngứa lắm”, anh Thảo nói.
Anh Nguyễn Ngọc Thảo cho hay, khoảng một tháng trở lại đây, cách vài ngày là anh phải đi xin nước ngọt của người thân ở Quốc lộ 57B chở về nhà sử dụng. “Trước mắt, gia đình tôi chở xe để xin nước ngọt để “chữa cháy”. Nếu mặn không giảm, khô hạn còn kéo dài thì vấn đề khát nguồn nước ngọt đối với bà con nơi đây sẽ trầm trọng hơn nữa”, anh Thảo chia sẻ.
Ông Trần Văn Chuyền (ngụ ở ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, người dân ở đây đến mức phải tắm cũng bằng nước mặn. Mặc dù gần trụ sở Công an xã Quới Sơn có điểm phát nước miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, điểm phát nước trên vẫn không cung cấp đủ.
“Khi xe tải chở nước ngọt đến thì rất nhiều bà con đến xin chở từng can, thùng nước về, chỉ chốc lát là hết nước. Tôi phải đi ra nhà của người dân gần đầu Quốc lộ 57B để đem về sử dụng dùng sinh hoạt trong gia đình”, ông Chuyền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn