MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo chân ông nông dân ở Thái Bình biến cây cỏ thành ống hút bảo vệ môi trường. Ảnh: Lương Hà

Người nông dân ở Thái Bình biến cây cỏ thành ống hút bảo vệ môi trường

Lương Hà LDO | 30/11/2023 07:00

Thái Bình - Ống hút được làm hoàn toàn từ cây cỏ bàng (loại cỏ có nhiều ở miền Tây Nam Bộ) đã được ông Nguyễn Cao Động (xã Đông Cường, huyện Đông Hưng) mang về trồng thử nghiệm ở quê lúa Thái Bình và sản xuất để thay thế ống hút nhựa.

Đây khu vực cánh đồng Cửa rộng hơn 4ha ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được ông Nguyễn Cao Động thuê lại để đưa giống cỏ bàng từ Kiên Giang về trồng. Ông Động chia sẻ: "Nhà tôi có người cháu ruột đang sinh sống làm việc bên nước ngoài nên năm 2021 sau khi được cháu hỗ trợ, tôi đã tìm hiểu và vào Kiên Giang để lấy giống cỏ bàng về trồng. Do thời tiết 2 vùng khác nhau nên thời gian đầu bắt tay vào trồng cỏ tôi đã gặp không ít khó khăn".
Sau một năm trồng cỏ bàng đạt chuẩn sẽ được thu hoạch, đến năm 2022 gia đình ông Động bắt tay vào sản xuất ống hút từ cỏ bàng.
Cỏ sau khi cắt ở ruộng sẽ được đem về nhà làm sạch sẽ qua nhiều công đoạn.
Cỏ được cắt thành từng đoạn theo yêu cầu của khách hàng rồi tiến hành sấy.
Nói về sản phẩm thuần tự nhiên này, ông Động hào hứng cho biết: "Cỏ đạt chuẩn để thu hoạch là cỏ được trồng đủ 1 năm, khi đó cây cỏ già và cứng. Đến mùa thu hoạch sẽ chọn những ống cỏ to, đều để sản xuất. Đến giờ sản phẩm ống hút cỏ của gia đình tôi đã xuất đi Canada và Hàn Quốc, mỗi lần xuất đi vài trăm vạn ống".
Ống hút cỏ sau khi hoàn thành các công đoạn sẽ được tiến hành vệ sinh thêm một lần nữa phía trong ống, sau đó, đóng hộp để bán ra thị trường với giá từ 600 - 1.000 đồng/ống hút cỏ bàng.
"Tôi bắt tay vào sản xuất sản phẩm tự nhiên này cũng vì mong muốn truyền tải thông điệp giảm rác nhựa, sử dụng sản phẩm thiên nhiên. Những lô ống hút cỏ được xuất đi các nước khiến tôi vô cùng tự hào vì sản phẩm mang tên Việt Nam đến với bạn bè quốc tế" - ông Động tâm đắc.
Không những vậy, 2 năm nay, cơ sở làm ống hút cỏ của ông Động còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động ở địa phương. "Tôi làm việc tại đây từ những ngày cơ sở bắt đầu, tuổi già như tôi rất may tìm được công việc nhàn, an toàn như thế này và mức lương ổn định. Cũng từ ngày làm ống hút cỏ, tôi và nhiều người ở đây hiểu tác hại của rác thải nhựa, nhà tôi cũng dùng ống hút cỏ thay cho ống hút nhựa" - bà Nguyễn Thị Bàng (người dân xã Đông Cường, huyện Đông Hưng) - nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn