MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người nước ngoài thán phục khi đến hầm vũ khí chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

Chân Phúc LDO | 30/04/2023 06:08

Căn hầm trong ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh từng là nơi chứa hơn 2 tấn vũ khí các loại để các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn sử dụng tấn công vào Dinh Độc Lập ngày mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968.

Căn nhà có diện tích khoảng 37 m2, dài 14,9m, rộng 2,5m. Nơi đây đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - nơi Biệt động đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh táo bạo vào Dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
Bên trong căn nhà, những hình ảnh, hiện vật về trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 được lưu giữ cẩn thận. Hằng ngày, nơi đây luôn mở cửa miễn phí cho người dân, du khách đến tham quan, đặc biệt trong nhưng dịp lễ 30.4 hàng năm luôn có rất đông du khách ghé tham quan.
Năm 1966, theo sự chỉ đạo của cấp trên, ông Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân) đã mua lại căn nhà này làm nơi cất giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn. Nhà có 2 mặt tiền trên 2 con hẻm nằm giữa đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần).
Khi đó, lấy cớ sửa chữa lại nhà, ông Năm Lai đã bí mật xây dựng căn hầm, chuyên chở vũ khí từ ngoại ô vào Sài Gòn và cất giấu tại đây. Trong ảnh là miệng hầm rộng 0,4 m x 0,6 m, vừa một người chui nhìn từ dưới lên. 
 Căn hầm từng là nơi cất giấu hơn 2 tấn vũ khí gồm súng và đầu đạn B40, súng AK, kíp nổ, súng ngắn, lựu đạn, đạn các loại…
Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, 17 chiến sĩ đội 5 (thuộc cụm biệt động 3-4-5) tập kết tại căn nhà để nhận vũ khí và tiến công Dinh Độc Lập. Đội xuất phát trên 3 chiếc ôtô và một xe gắn máy tiến về Dinh Độc Lập, thực hiện trận đánh táo bạo trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Anh Moritz Beuther (áo đỏ) - du khách Đức cho biết, dành thời gian 2 tháng để đến Việt Nam du lịch, trong khoảng thời gian này đã đến nhiều địa điểm du lịch, khu chiến tích. "Tôi thấy đất nước Việt Nam rất đẹp, con người rất thân thiện, đi đến đâu cũng được người dân vẫy tay chào - điều mà tôi chưa thấy ở một nơi nào. Tôi đã tìm hiểu lịch sử Việt Nam nên rất khâm phục ý chí con người nơi đây", anh Moritz Beuther nói.
 Ông Nguyễn Thanh Chi (58 tuổi, cựu chiến binh đang trông coi di tích) cho biết, những ngày này lượng khách đến đây tham quan rất đông. "Tại đây sẽ mở cửa theo giờ hành chính, tuy nhiên những ngày này nếu có người liên hệ thì cũng sẽ mở cửa thêm ngoài giờ", ông Chi nói.
Ngày 16.11.1988, Di tích “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968” được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Hình ảnh phía trước căn nhà. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn