MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người thợ cuối cùng của phố Lò Rèn

SƠN TÙNG - NGỌC NHÂN LDO | 04/07/2020 07:30
Ngày nay, giới trẻ dường như không còn ai biết đến phố Lò Rèn khi xưa là một con phố vô cùng phát triển với nghề rèn thủ công, bởi sự mai một của nghề này theo năm tháng... Tuy nhiên, giữa dòng thời gian xô bồ, ở một góc phố nhỏ, có một người đàn ông vẫn ngày ngày lặng lẽ "nổi lửa" gìn giữ nghề xưa.
Phố Lò Rèn khi xưa vốn là một phố do người làng Hòe Thị (nay thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) ra đây mở lò rèn để làm các công cụ sản xuất như cày, bừa... Sau này là sản xuất những mặt hàng mới như bu-lông, cửa xếp bằng sắt, cổng sắt hoa... theo nhu cầu của việc xây dựng nhà cửa kiểu mới. Đến nay, trải qua nhiều biến đổi, con phố ấy chỉ còn lại duy nhất ông Nguyễn Phương Hùng còn bám trụ lại với nghề xưa.
Chỉ với vẻn vài m2, cửa hàng của ông Hùng nằm ở số 26 phố Lò Rèn (Hà Nội), mỗi ngày ông sẽ bắt đầu công việc từ 7h sáng cho đến 4h30 hoặc 5h chiều.
Những ngày hè đổ lửa, thời tiết có khi lên đến hơn 50 độ C nhưng ông Hùng vẫn chăm chỉ làm việc bên bễ lò rực lửa, tay đe tay búa không ngừng.
Ông Hùng cho biết: “Đây là nghề truyền thống của gia đình, từ đời ông, đời bố truyền lại cho tôi. Trước đây cả phố cùng làm, nên nghề khá phát triển nhưng dần dần máy móc thiết bị sản xuất nhanh hơn, nhiều hơn nên mọi người chuyển sang nghề khác. Thêm nữa, nghề này khá vất vả lại làm thủ công nên năng suất không cao. Hiện cả phố chỉ còn một mình tôi theo nghề. Tôi quan niệm là yêu nghề thì nghề không phụ mình nên luôn chú tâm vào công việc. Tết nhất nghỉ cửa hàng ở nhà tôi chỉ mong sao sớm hết Tết để được đi làm lại."
Bễ lò luôn rực lửa với nhiệt độ có khi lên đến hàng nghìn độ C mới có thể đủ độ nóng để nung miếng sắt dày cho người thợ gia công hoàn thiện sản phẩm. 
Dụng cụ làm việc chính gồm có 1 chiếc kìm và một chiếc búa nhưng qua đôi bàn tay của người thợ này, những vật thô ráp lại có thể thành những vật dụng hữu ích cho cuộc sống. 
Với hơn 20 năm trong nghề, nhiều lần người thân trong gia đình từng khuyên ông Hùng nghỉ làm, cho thuê mặt bằng sẽ mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với việc làm rèn. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, đây là nghề truyền thống có ý nghĩa quan trọng hơn tiền bạc, vật chất nên vẫn duy trì công việc cho đến hiện nay.
Có một điều vẫn nuối tiếc với ông Hùng đó nghề ngày càng mai một, cả con phố với nghề truyền thống đã thực sự biến mất chỉ còn duy nhất ông duy trì nghề xưa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn