MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người thương binh hơn 10 năm ở nghĩa trang, chăm sóc mộ liệt sĩ

ĐÌNH TRỌNG LDO | 27/07/2023 05:34

Bình Phước - Hình ảnh người thương binh khập khiễng bước đi khó nhọc nhưng hằng ngày vẫn cần mẫn chăm sóc phần mộ liệt sĩ ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây...

Đây là Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Phước Long dưới chân núi Bà Rá (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước). Địa phương này trong chiến tranh là nơi xảy ra nhiều trận đánh ác liệt, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống ở nơi đây vì độc lập tự do dân tộc. Các liệt sĩ sau này được tìm và quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Phước Long.
Điều đặc biệt ở nghĩa trang liệt sĩ này là có một người thương binh đã hơn 10 năm gắn bó lo hương khói, chăm sóc phần mộ của những liệt sĩ. Đó là ông Nguyễn Văn Bền, 59 tuổi - thương binh hạng 3/4.
Ông Bền đến chăm sóc nghĩa trang "như một cơ duyên". Ông quê ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nhập ngũ năm 1982, ông tham gia đơn vị 950 thuộc Quân khu 9. Sau thời gian huấn luyện, ông tham gia chiến trường Campuchia, bị thương vào năm 1984 tại cảng Công Pong Xom. Bom đạn đã lấy đi 2/3 cẳng chân phải, ông mang thương tật 3/4.
Xuất ngũ, ông Bền về quê. Đôi chân không còn nguyên vẹn để lội đồng ruộng, ông cùng gia đình quyết định lên Phước Long để phát triển kinh tế. Khi người quản trang cũ già yếu, bằng nghĩa tình với đồng đội, ông Bền đã vào tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này.
Từ đó, mỗi ngày của ông Bền bắt đầu từ sáng sớm với việc quét dọn và hương khó ở khu nghĩa trang rộng 3ha với hơn 1.000 phần mộ...
Đến nay đã 11 năm ông Nguyễn Văn Bền ở luôn trong nghĩa trang để tiện cho việc lo hương khói, chăm sóc các phần mộ.
Nhờ sự cần mẫn của ông Bền, những phần mộ liệt sĩ ở đây bớt lạnh lẽo hơn. Những bông hoa mười giờ luôn được chăm chút làm không gian ở đây rực ấm áp hơn.
Cựu binh Đinh Ngọc Ngạn - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thị xã Phước Long (bìa trái) cũng thường xuyên đến đây chăm sóc phần mộ liệt sĩ và bầu bạn với ông Bền.

"Trong công tác quản trang, mặc dù là thương binh, nhưng ông Bền rất có trách nhiệm trong việc giữ gìn cảnh quan và vệ sinh toàn nghĩa trang" - ông Đinh Ngọc Ngạn cho biết.
Bên cạnh đó, ông Bền là người tích cực hướng dẫn, giúp đỡ để các gia đình thân nhân liệt sĩ thực hiện phần việc của mình.
Di chứng để lại khiến người thương binh thường xuyên bị đau nhức. Tuy nhiên ông vẫn muốn gắn bó với nghĩa trang, ở bên đồng đội - những người đi trước đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
“Tôi vẫn còn làm được, tôi sẽ gắng làm đến khi nào không thể đi được nữa thì thôi. Cuộc sống của tôi tại đây đã quen rồi, ở bên đồng đội đã quen rồi. Tôi lấy làm vui và hạnh phúc khi mỗi ngày còn được hương khói cho thế hệ những người đi trước đã ngã xuống vì đất nước“ - Người thương binh Nguyễn Văn Bền chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn