MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguy hiểm rập rình trên cây cầu cuối cùng đường bộ đi chung đường sắt

HỮU CHÁNH - TRẦN TUẤN LDO | 17/04/2022 16:33

Bắc Giang - Cầu Cẩm Lý (huyện Lục Nam) là cây cầu duy nhất trên cả nước có đường bộ và đường sắt đi chung với nhau. Đã hơn 40 năm đi vào hoạt động, việc cõng các xe quá khổ, quá tải đi qua mỗi ngày khiến nguy cơ mất an toàn ở cây cầu này ngày càng hiện hữu.

Cầu Cẩm Lý bắc qua sông Lục Nam thuộc tuyến quốc lộ 37 nằm trên địa bàn huyện Lục Nam. Đây là cây cầu cuối cùng của cả nước dùng chung đường sắt và đường bộ.
Cầu Cẩm Lý dài 272 mét, gồm 4 nhịp giàn thép, mỗi nhịp dài 64 mét, tải trọng 9 tấn/trục, lòng cầu chỉ rộng 3,8 mét, hai bên có làn cho xe máy và xe thô sơ, đã được đưa vào sử dụng từ năm 1979.
Xe tải từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương chạy đến Lạng Sơn, Cao Bằng chọn qua đường này thay cung đường khác bởi vừa rút ngắn được hàng chục km, vừa tránh được một số trạm thu phí. Việc cõng các xe quá khổ, quá tải đi qua đây mỗi ngày khiến nguy cơ mất an toàn ở cây cầu này ngày càng hiện hữu.
Với tình trạng xe container và xe trọng tải lớn qua cầu với số lượng lớn mỗi ngày, Công ty Đường sắt Hà Lạng, đơn vị quản lý cầu đường sắt Cẩm Lý cho biết, đơn vị đã liên tục phải sửa chữa, thay mới thanh nan, bảo dưỡng hệ thống thanh sắt và ốc vít nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, cầm chừng.
Thiết kế làn đường dành cho xe máy, xe đạp rất nhỏ, chỉ rộng khoảng hơn 1 mét, thành lan can mỏng và thấp, mặt dưới được kết lại bằng những tấm bê tông, khi xe máy di chuyển sẽ bị rung lắc. Người dân cho biết, dù ngày nào cũng qua cầu nhưng luôn có cảm giác sợ hãi, đặc biệt vào thời điểm trời mưa hoặc gió to.
Anh Nguyễn Công Bắc, nhân viên gác cầu thuộc Cung cầu Cẩm Lý (Công ty cổ phần Đường sắt Hà Lạng) luôn phải quan sát mật độ phương tiện ở 2 đầu cầu để điều khiển tín hiệu đèn xanh-đỏ phù hợp. Các xe qua đây thường phải chờ đèn đỏ khoảng 3-4 phút nhường đường cho làn xe đối diện lưu thông. Khi gặp tàu hỏa có khi phải chờ chục phút, có thời điểm đoàn xe ùn tắc kéo dài hàng cây số. 
Anh Bắc cho biết, 2 năm trở lại đây, tuyến tàu chở khách di chuyển qua cầu đang tạm dừng hoạt động. Thi thoảng, thậm chí 1-2 tháng mới có một chuyến tàu hàng hoặc xe goòng chạy qua. Mật độ phương tiện đường bộ di chuyển qua khu vực này trở nên đông đúc hơn, nhiều lái xe không tuân thủ tín hiệu đèn cố tình vượt lên, dẫn đến tai nạn hay ùn tắc kéo dài. 
 Biển hạn chế tải trọng 9 tấn/1 trục được cắm ngay phía hai bên đầu cầu. Nghĩa là tất cả các phương tiện chở hàng hóa đi qua cầu không được phép chở quá trọng tải trên 9 tấn/1 trục và lực lượng chức năng căn cứ vào hệ thống biển báo này để xử lý các phương tiện về chở hàng quá tải, theo quy định của biển báo.
 Dù có biển cấm xe máy ngay đầu cầu, nhưng nhiều lái xe vẫn không tuân thủ biển báo, cố tình vi phạm đi vào làn dành cho ôtô, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Lan can làn giữa cầu chỉ cao khoảng 30 cm, giữa làn dành cho xe máy và làn dành cho ôtô có khoảng cách lớn, không được trang bị rào chắn bảo vệ, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Bà Hội (58 tuổi, xã Bắc Lũng, Lục Nam) từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm trên cây cầu này. Bà kể, tháng 9.2020, một người điều khiển xe máy đi ở làn giữa cầu thì bất ngờ mất lái lao vào lan can cầu, bị ngã xuống sông và tử vong. Cũng không ít người say xỉn rơi xuống bãi đất dưới cầu và bị thương nặng.
 Nhiều người đi qua đây đều phải đi chậm và phải cho xe máy lên chéo để không bị trầy bánh xe khi đi qua đoạn giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Nhiều người do không quen đường nên đã bị ngã khi đến những đoạn này. Một số xe tự chế không thể cho xe chạy vào giữa, nên phải đẩy bộ ở làn đường cho xe máy, xe thô sơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn