MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – nơi lưu dấu “Người tình”

Lục Tùng LDO | 04/05/2020 08:00

Đến Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc – Đồng Tháp), du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo với sự pha trộn hài hòa Đông - Tây, kim - cổ, mà còn được trải nghiệm về bối cảnh của cuộc tình không biên giới để làm nên tác phẩm văn chương nổi tiếng thế giới được biết đến với tên “Người tình”.

Tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, thuộc phường 2, TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), nhưng Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước có dịp đến Đất Sen Hồng. Biển bên ngoài cổng nhà cổ. Ảnh: LT
Ngoài giá trị kiến trúc độc đáo bởi sự kết hợp hài hòa Đông - Tây, kim - cổ, nơi đây còn là bối cảnh để khai sinh ra tác phẩm nổi tiếng “Người tình”. Nhà cổ nhìn từ đường Nguyễn Huệ. Ảnh: LT

Phía trước ngôi nhà được công ty du lịch Đồng Tháp trưng bày hình ảnh của bộ phim Người tình. Ảnh: LT
Vật dụng gỗ trong nhà đều được cẩn xà cừ với màu sắc “vàng chanh, đỏ lửa“. Ảnh: LT

Thực ra, đây là ngôi nhà do ông Huỳnh Cẩm Thuận, người Hoa xây dựng vào khoảng 1895 ven sông Sa Đéc, nhưng sau này, nhiều người biết đến dưới danh xưng Huỳnh Thủy Lê – con trai ông Thuận, bởi câu chuyện tình không biên giới, nổi tiếng khắp thế giới gắn liền với tên tuổi ông Huỳnh Thủy Lê với cô gái người Pháp Marguerite Duras. Ảnh: LT
Đại tự giữa nhà khắc chữ Huỳnh Cẩm Thuận. Ảnh: LT

Chuyện xảy ra vào năm 1929, sau thời gian du học ở Pháp về, tình cờ ông Lê gặp bà Marguerite Duras trên chuyến phà Mỹ Thuận (Vĩnh Long – Tiền Giang) hai người yêu nhau và chung sống như vợ chồng. Do ông Huỳnh Cẩm Thuận không đồng ý, buộc ông Lê cưới vợ khác nên sau 18 tháng chung sống, bà Marguerite Duras về nước, hai người chia ly trong đớn đau, ngang trái. Trong ảnh là ông Huỳnh Thủy Lê thời trẻ. Ảnh: LT
Từ những cảm xúc với người tình đất Việt đã là niềm cảm hứng để sau này nữ sĩ Marguerite Duras đưa vào tiểu thuyết “L’Amant” - Người tình, như một tự truyện về cuộc tình đẫm nước mắt... Trong ảnh là giường ngủ trong ngôi nhà cổ. Ảnh: LT

Năm 1984, cuốn tiểu thuyết được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt Giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học của Pháp). Đến năm 1986, “Người tình” tiếp tục gây tiếng vang trong cộng đồng những người yêu chuộng nghệ thuật thứ Bảy trên toàn cầu khi được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng thành phim cùng tên và nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được lấy làm bối cảnh chính trong tác phẩm điện ảnh nói trên. Năm 2009, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Trong ảnh là bàn trang điểm và tủ quần áo trong ngôi nhà. Ảnh: LT
Vì vậy, đến Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc độc đáo bởi sự kết hợp hài hòa Đông – Tây, kim – cổ mà còn được trải nghiệm về bối cảnh của tác phẩm văn chương, điện ảnh nổi tiếng thế giới. Hơn thế nữa, còn được lắng đọng cảm xúc về cuộc tình không biên giới của thời xưa chưa xa. Trong ảnh là một tủ đựng vật dụng trong ngôi nhà. Ảnh: LT


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn