MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người tiếc “đứt ruột” nếu nghề này thực sự mất đi

Cao La LDO | 09/05/2018 06:14

Ngày nay do ít người còn sử dụng nón lá, nên nón cổ làng Chuông (xã Phương Chung, Thanh Oai) đang dần đi vào quên lãng. Ngay cả những người dân nơi đây cũng bắt đầu bỏ nghề, chỉ còn một số người lớn tuổi trong làng vẫn đam mê với nghề nón từ thời cha ông để lại.

Nếu đến làng Chuông bây giờ, chắc hẳn không ai nghĩ đây đã từng là một làng nghề cổ nổi tiếng cả một vùng, bởi phải khó khăn lắm mới tìm ra một hộ gia đình còn giữ nghề làm nón. “Nghề nón bây giờ chỉ còn sống trong tâm trí của những người già, những người luôn trăn trở làm sao để nghề của các cụ để lại không bị mất đi” ông Tuy một người thợ nón có tiếng trong nghề chia sẻ.
Từ những vật liệu đơn giản như: kim, lá, chỉ và khúng nón qua đôi bàn tay tỉ mỉ của người thợ nón làng Chuông, những chiếc nón lá đẹp và chắc chắn được làm ra một cách vô cùng công phu. Nón làng Chuông bắt buộc phải có 16 vành nón và chúng phải được làm bằng tre ngâm kĩ để đảm bảo độ dẻo dai và chắc chắn.
Để có được một chiếc nón Chuông đẹp người thợ khâu nón phải đảm bảo được hai yếu tố sau: lớp lá phải được xếp ngay ngắn, không quá dày hoặc mỏng và đường kim mũi chỉ phải đều mũi, sát với vành khuôn và dày dặn.
Nón Chuông luôn được đánh giá cao về chất lượng, bởi một chiếc nón Chuông luôn có 3 lớp lá: bên ngoài là một lớp lá trắng đẹp mắt, ở giữa là một lớp mo nứa để đảm bảo độ cứng cho nón, trong cùng là một lớp lá trắng.
Chị Thanh chia sẻ “Lá dùng để khâu nón là lá cây kè, được chuyển từ Hà Tĩnh ra, mỗi khi xe lá đến phải canh giờ ra chọn lá sớm, nếu chọn được lá sáng màu thì nón thành phẩm mới đẹp”.
 Sau khi chọn được loại lá ưng ý, người thợ nơi đây sẽ bắt đầu vò lá trong cát cho mềm. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi người vò lá phải khoẻ, hai chân phải dậm thật nhanh và đều thì lá mới tơi mà không bị nát. Sau đó lá được cho vào máy quay cho tơi rồi đem tước xếp gọn bó thành từng bó nhỏ vừa người ôm.
Lá sau vò phải được đem phơi khoảng hai, ba nắng. Khi phơi muốn lá đẹp và trắng đều thì phải tỉ mỉ xếp từng nhánh một chứ không được chất đống, không được nắng lá sẽ lên màu không đẹp. Sau đó đem sấy thêm bằng bếp củi, bếp lửa để lá khô dần mà không bị giòn, nếu muốn lá trắng hơn phải hun một lần nữa qua diêm sinh. 
Người dân nơi đây từ nhỏ quen với nghề làm nón, giờ tuy ít người còn giữ nghề nhưng chiếc nón luôn là vật dụng theo chân họ khi đi chợ, đi đồng hay làm những công việc thường ngày.
Mặc dù nghề nón ở Chuông không còn được hưng thịnh như trước, nhưng những người thợ nón tâm huyết với nghề vẫ luôn làm mới nghề bằng cách cho ra nhiều mẫu mã nón độc đáo như: nón bọc gấm, thêu hoa, thêu rồng phượng . . .  Với mong muốn nghề nón cổ làng Chuông không bị mất đi khi xã hội ngày càng phát triển và ít ai còn đội nón ra đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn