MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều sông ngòi, kênh rạch “ngạt thở” do lục bình sinh sôi

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN LDO | 26/10/2023 06:00

HUẾ - Lục bình sinh sôi phủ kín trên nhiều con sông, kênh rạch tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gây ô nhiễm môi trường, cản trở công tác sản xuất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản của người dân.

Nhiều năm nay, thực trạng lục bình sinh sôi nảy nở tràn ngập ở các con sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không phải là chuyện lạ lẫm đối với người dân.
Vào mùa mưa lũ, dòng nước đổ về các địa phương có địa hình thấp trũng, kéo theo hàng tá lục bình với đầy đủ kích thước từ nhỏ đến lớn. Lục bình xuất hiện dày đặc tại các con sông như sông Như Ý (đoạn qua xã Phú Dương, huyện Phú Vang); sông Đại Giang (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang); sông Phù Bài (thị xã Hương Thủy); sông Ô Lâu (huyện Phong Điền) và một số kênh rạch khác.
Ghi nhận tại sông Đại Giang đoạn qua cầu Phú Thứ (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang), những mảng lục bình nổi lềnh bềnh xanh cả mặt sông, có chỗ tràn lên cả bờ.
Lục bình chi chít dưới chân cầu, gây cản trở dòng nước chảy, tiềm ẩn nguy hiểm mỗi khi mưa lớn, nước dâng cao rất dễ tràn vào nhà dân.
Bên cạnh đó là những bãi xác cây lục bình được người dân và chính quyền địa phương trục vớt lên.
Lục bình tập kết lâu ngày đang phân hủy bốc mùi hôi thối.
Công tác trục vớt, tiêu hủy lục bình tại địa phương đã trở thành việc làm thường niên, năm này qua năm khác.
Theo người dân, việc lục bình phủ kín trên các con sông, kênh rạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống mưu sinh, công tác nuôi trồng nông, thủy sản tại địa phương.
Anh Dương Văn Trung (trú tại thôn Phò An, xã Phú Dương, huyện Phú Vang) cho biết, tình trạng lục bình dày đặc tại các con kênh trong khu vực đã có từ nhiều năm nay. Chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và làm chậm quá trình điều tiết nước ra vào đồng ruộng, khiến nhiều ruộng lúa không thể canh tác.
Hình ảnh ống dẫn nước tại trạm bơm trên con kênh tiếp giáp giữa 2 thôn Phò An và Dương Nỗ Đông (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) bị bao phủ bởi lục bình.
Trong khi đó, anh Khanh (cùng địa phương) cho biết, ngoài việc ảnh hưởng đến nuôi trồng nông thủy sản thì việc lục bình quá nhiều đã gây ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt đây là nơi sinh sôi trú ẩn của rất nhiều muỗi, côn trùng, đe dọa đến sức khỏe của bà con.
Lục bình khắp nơi kết hợp với rác thải theo dòng lũ tấp vào bờ, khiến con sông trở nên nhếch nhác.
Mặc dù chính quyền các địa phương và người dân đã thường xuyên trục vớt lục bình trên các con sông, kênh rạch, tuy nhiên việc nước lũ cuốn theo lục bình về hạ nguồn là không thể tránh khỏi. Cùng với đó là sự phát triển rất nhanh của loài cây này khiến công tác xóa sổ lục bình trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn và tốn rất nhiều chi phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn