MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều trường học bỏ hoang, huyện muốn giải quyết nhưng vướng nhiều thủ tục

QUÁCH DU - HOÀNG DƯƠNG LDO | 14/09/2021 06:30

Hiện tại, nhiều trường học ở các huyện của tỉnh Thanh Hóa bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, gây lãng phí và mất mỹ quan. Theo lãnh đạo một số huyện, dù địa phương rất muốn giải quyết vấn đề này, tuy nhiên, trong thời gian ngắn là không thể, vì phải trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục.

Theo ghi nhận của Lao Động, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khá nhiều trường học bị bỏ hoang nhiều năm, nay đã xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, trông nhếch nhác và lãng phí.
Cụ thể, tại thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), Trường THPT Đinh Chương Dương, nằm ngay mặt đường lớn của thị trấn này, nhưng hơn 3 năm nay, ngôi trường này trong tình trạng bỏ hoang, không có người trông coi.
Bên trong khuôn viên cỏ dại mọc kín sân trường.
Nhưng mái tôn của dãy nhà tầng và cấp 4 đều bị lấy trộm đi. 
Không chỉ Trường THPT Đinh Chương Dương, Trường Mầm non thị trấn Hậu Lộc (cách đó vài trăm mét) cũng trong tình trạng bỏ hoang, cỏ dại bủa vây. 
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND thị trấn Hậu Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết, đúng là trên địa bàn có 2 ngôi trường nhiều năm nay để hoang. Nguyên nhân là do thực hiện đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”, Trường THPT Đinh Chương Dương thuộc diện trường bán công nên dôi dư. Các học sinh ở trường này được chuyển đến học ở các trường công lập khác trên địa bàn huyện.   
 "Riêng đối với Trường Mầm non thị trấn Hậu Lộc, do cơ sở vật chất xuống cấp, nên địa phương đã chuyển học sinh đến một điểm trường khác, cơ sở tốt hơn. Hiện tại, cả 2 trường cấp 3 và mầm non bỏ hoang trên địa bàn, thị trấn đã làm thủ tục trình huyện để hoàn thiện kế hoạch, nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất các trường này sang việc khác.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho hay, sau khi triển khai đề án sáp nhập trường của tỉnh, các trường này trở nên dôi dư. Tuy nhiên, đây là tài sản công, nên huyện đang rà soát để đưa vào kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở và cần phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục. 
“Trước đó, do thị trấn Hậu Lộc quản lý kém nên xảy ra mất một số tài sản trong trường, đặc biệt là Trường THPT Đinh Chương Dương. Đây là tài sản Nhà nước, còn giá trị và huyện cũng rất mong muốn giải quyết sớm vấn đề này, tuy nhiên, cần phải có thời gian, hoàn thiện nhiều thủ tục” - ông Hoàng cho biết.
Nhiều người dân ở thị trấn Hậu Lộc cũng cho biết thêm, Trường THPT Đinh Chương Dương đã có cách đây hơn 20 năm, hàng chục nghìn học sinh trưởng thành từ ngôi trường này. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay trường bỏ hoang, bục giảng trơ trọi, phòng ốc tan hoang, trông xót xa và lãng phí.
Không chỉ huyện Hậu Lộc, tại huyện Hoằng Hóa cũng có tình trạng tương tự, hai ngôi trường là Trường THPT Lưu Đình Chất và Trường THPT Lê Viết Tạo cũng đang bỏ hoang, cơ sở xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm.
Theo UBND huyện Hoằng Hóa cho hay, sau khi triển khai đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”, địa phương đã dôi dư 2 trường là Trường THPT Lưu Đình Chất và Trường THPT Lê Viết Tạo. Hiện tại, huyện đang làm kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 2 ngôi trường này, tránh tình trạng để lâu công trình xuống cấp, gây lãng phí tài sản công.

Theo Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, trước đó, toàn tỉnh có 101 trường THPT, sau khi sáp nhập còn 88 trường, giảm 13 trường, hiện trên địa bàn có 8 trường THPT thuộc diện dôi dư. Đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục chuyển giao 6 trường cho các địa phương quản lý, sử dụng; còn lại 2 trường là Trường THPT Lưu Đình Chất (huyện Hoằng Hóa) và Trường THPT Trần Ân Chiêm (huyện Yên Định) do vướng một vài thủ tục nên chưa được bàn giao.

Sau khi bàn giao xong, các huyện có trách nhiệm tiếp nhận tài sản nhà đất và lên kế hoạch chuyển đổi hoặc sử dụng hợp lý, tránh tình trạng để lãng phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn