MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhộn nhịp làng chài Mỏ Ó

PHƯƠNG ANH LDO | 24/10/2023 15:43

Với sự đa dạng trong hệ sinh thái, người dân Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) phát triển nhiều ngành nghề khác nhau như nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, trồng rau màu, phát triển dịch vụ du lịch... Nhưng hầu hết thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi từ biển. Những người dân miền biển này qua bao năm vẫn vững chắc tay chèo bám biển, bám làng để bảo vệ vùng biển quê hương.

Hiện Mỏ Ó có trên 150 tàu đánh bắt với các hình thức như thả lưới, ghe câu, cào biển,… với hơn 1.500 lao động tham gia.
Mỏ Ó còn nổi tiếng với nghề đáy biển. Nghề này xuất hiện từ rất lâu, ban đầu chỉ hoạt động gần bờ, với công cụ thô sơ. Về sau, công cụ đánh bắt ngày càng hiện đại hơn.
Ngày nay dù sản lượng thủy hải sản đã giảm nhiều, cộng với chi phí xăng dầu, nhân công lao động tăng, nhưng những ngư dân Mỏ Ó vẫn lặng lẽ bám nghề như một cách để duy trì và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Ông Huỳnh Hùng Anh có 1 ghe đánh lưới cá khoai, mỗi ngày thu hoạch từ 80 - 100kg cá, bán với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 700.000 đồng/ngày. “Nhà không đất sản xuất nên cứ nương vào chiếc ghe, vào biển cả để kiếm sống. Nghề bà cậu vất vả lắm nhưng đổi lại có thu nhập mỗi ngày", ông Anh chia sẻ.
Khoảng 3h sáng, Mỏ Ó nhộn nhịp với những chuyến tàu rời bến vươn khơi. Có khi đi từ sáng sớm đến chiều về, đôi khi vài ngày quăng quật với con nước, tìm kiếm những đàn cá bằng kinh nghiệm dân gian.
“Đối với ngư dân, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng. Và mỗi chuyến tàu về luôn là sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến cá không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông sóng biển trở về”, bà Bùi Thị Én - một ngư dân có tàu đánh bắt ở Mỏ Ó - cho biết.
Mỏ Ó về chiều với không khí vô cùng nhộn nhịp… Tiếng động cơ của tàu thuyền hòa với tiếng ngư dân hò reo bỏ neo, những con tàu đầy ắp cá, tôm; người mua, kẻ bán rộn ràng cười nói làm xôn xao bến cá.
“Hôm nay, tôi đánh được khoảng 50kg cá úc, bán với giá 50.000 - 60.000 đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 1 triệu đồng”, ông Trần Hoàng Dũng - một ngư dân thả lưới cá úc - vui vẻ cho biết.
Con ruốc - một sản vật thường xuất hiện ở vùng biển Sóc Trăng - cũng là nguồn thu nhập chính của ngư dân Mỏ Ó.
Ngoài nghề đánh bắt thủy hải sản, người dân Mỏ Ó còn tham gia vào những dịch vụ như đan lưới, vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa, chế biến thủy sản,... đã giúp các chị em có việc làm và có thêm thu nhập chi tiêu trong cuộc sống.
Để phục vụ nhu cầu neo đậu, lên xuống hàng hóa và tránh trú bão, năm 2019 huyện Trần Đề đã đưa vào vận hành bến cá Mỏ Ó với tổng diện tích 2,55 ha.
Hiện nay, mỗi ngày bến cá tiếp nhận từ 200 - 300 chiếc tàu ra vào bến, phục vụ cho trên 600 hộ dân chuyên nghề khai thác gần bờ của huyện Trần Đề.
Từ đó, giúp người dân thuận lợi trong việc đánh bắt, giảm chi phí và tăng thêm thu nhập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn