MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhộn nhịp mua bán cát vàng Campuchia ở thượng nguồn sông Tiền

Thành Nhân LDO | 04/11/2022 07:00

Khoảng 60 chiếc sà lan, xáng cạp neo đậu trên thượng nguồn sông Tiền thuộc địa bàn xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Với chiều dài khoảng 300m, cảnh tấp nập mua bán cát vàng từ bên kia biên giới chở về đã biến vùng quê thanh bình trở thành một cái chợ nhộn nhịp.

This browser does not support the video element.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, chỉ một đoạn dài khoảng 300m nơi thượng nguồn sông Tiền thuộc địa bàn xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) giáp ranh với Vương quốc Campuchia, nhưng có khoảng 60 chiếc sà lan, xáng cạp mang biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành Nam bộ neo đậu tại đây để chờ sang cát từ Campuchia về. 
 Sau khi làm thủ tục hải quan, cát từ Campuchia chở về được xáng cạp múc sang sà lan Việt Nam rồi chở đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành ĐBSCL hoặc đưa lên TPHCM để phục vụ các công trình giao thông, xây dựng nhà ở,...
Trong vai người đi mua cát, PV Báo Lao Động dò hỏi những người ở đây được biết, cát vàng bán với giá dao động từ khoảng 170.000 đến 280.000 đồng/m3, tùy theo kích thước của cát.
Khách hàng đến xem cát và thỏa thuận giá cả trực tiếp tại một sà lan vừa chuyển cát từ Campuchia về sau khi đã thông quan và neo đậu tại đây. Anh B.V.H cho biết, anh từ Hải Phòng vào đây được hơn 2 năm. Sau khi khách hàng thỏa thuận xong giá cả sẽ thuê xáng cạp múc cát sang các sà lan. Giá sang mỗi khối cát tùy theo thỏa thuận với khách hàng, nhưng ở đây, ngay cả tiền công giờ cũng phải cạnh tranh mới có khách.   
Hàng chục máy xáng cạp và sà lan neo đậu ken đặc trên thượng nguồn sông Tiền. Trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại diện Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, khu vực neo đậu do hải quan và trung ương quản lý. Sở sẽ liên hệ với các đơn vị có liên quan để nắm thông tin và sẽ thông tin đến báo chí.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho biết, những đập thủy điện ở đầu thượng nguồn sông Mê Kông đã tác động làm thay đổi dòng chảy, đặc biệt là trong tình hình biến đổi khí hậu. Đồng thời, những đập thủy điện sẽ là giữ lại lượng lớn bùn cát trong các hồ chứa đập thủy điện. Điều đó đã làm cho nguồn cát đi về ĐBSCL bị sụt giảm rất nhiều, giảm khoảng hơn một nửa so với trước. Vì vậy, những năm qua việc khai thác cát nhiều mà không bồi đắp dẫn đến thiếu cát trầm trọng, đặc biệt là loại cát vàng (loại cát để xây dựng) khi xây dựng các công trình trọng điểm ở ĐBSCL. Do đó, nước ta cần phải nhập khẩu cát từ Campuchia về để thực hiện xây dựng thi công, công trình.
Đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (Cục Hải quan tỉnh An Giang) cho biết, đến nay, đã có 11 doanh nghiệp nhập khẩu cát qua đường cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Số lượng cát vàng từ Campuchia nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ cao hơn nhiều. “Nhu cầu cát xây dựng mỗi năm càng nhiều, do đó số lượng cát vàng từ Campuchia nhập về Việt Nam thông quan qua Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cũng tăng so với mỗi năm”, đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn