MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà con nông dân ở Sóc Trăng trồng lúa Tài Nguyên vẫn giữ được cách cấy giặm truyền thống.

Nhộn nhịp mùa cấy loại lúa sắp thu hoạch là đến Tết ở Sóc Trăng

PHƯƠNG ANH LDO | 03/11/2023 16:35

Bà con nông dân trồng lúa Tài Nguyên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang vào mùa cấy giặm. Mùa cấy ở đây vẫn còn giữ những nét đặc trưng của quá trình sản xuất lúa nước truyền thống.

Mùa cấy lúa Tài Nguyên ở Sóc Trăng bắt đầu vào khoảng đầu tháng 9 - 10 âm lịch.
Tài Nguyên là một giống lúa đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng được trồng nhiều ở huyện Thạnh Trị và một phần ở huyện Mỹ Xuyên. Đây là loại lúa mùa có tính kháng bệnh cao ít sử dụng phân thuốc.
Đặc trưng của lúa Tài Nguyên là thời gian sinh trưởng dài đến 6 tháng mới cho thu hoạch và trồng chủ yếu ở vụ lúa Đông - Xuân. Nhiều nông dân ở xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) nói vui rằng: “Nếu thấy lúa Tài nguyên sắp tới ngày thu hoạch thì chuẩn bị có tiền ăn Tết Nguyên đán".
Lúa Tài Nguyên ở Sóc Trăng thường gieo mạ ở một khoảng diện tích nhất định, khi lúa 1 tháng tuổi thì tiến hành nhổ lên cấy ở toàn bộ diện tích đất còn lại, còn gọi là "cấy giặm". Theo nông dân chia sẻ, nếu không nhổ lên cấy lại, lúa lớn mau, lá nhiều, bông ít.
Thông thường khoảng tháng 7-8 âm lịch nông dân gieo mạ, đến tháng 9-10 bắt đầu tách lúa nhỏ để cấy.
Ông Hà Duy Cần ở xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Cấy dù cực nhưng đổi lại những ngày sau đó nhàn rỗi hơn. Bởi nếu gieo sạ thì trong thời gian chờ hạt lúa nảy mình, nếu có mưa lớn thì phải canh đồng, túc trực để bơm nước. Còn cấy mạ non thì không cần phải tỉ mẫn, vốn dĩ cây mạ đã phát triển có độ cao nhất định nên công chăm sóc vì thế cũng đỡ vất vả hơn“.
Lúa non được nhổ và làm cho sạch bùn đất bằng cách dùng hai tay đập bó mạ vào gối.
Để thuận tiện cho việc nhổ mạ giữa ruộng nước, nông dân thường dùng ghế nhổ mạ. Chân ghế được làm bằng tre, được dựng vững xuống nước. Một chiếc ghế nếu dùng kĩ tuổi thọ kéo dài 3-4 năm.
Lúa được để trên ghế và bó gọn gàng để tiện cho việc di chuyển đến ruộng cấy.
Thay vì gánh mạ, nông dân chất mạ lên tấm cao su rồi kéo.
Mùa cấy lúa Tài Nguyên cũng là thời điểm nhiều lao động nông nhàn có việc làm ổn định từ việc nhổ mạ, cấy lúa thuê. Trung bình 1ha, chủ ruộng thuê cả chục nhân công. Tiền công được trả khoảng 900.000 đồng/1.000m2.
Bà Lý Hon ở xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đã hơn 30 năm đi cấy lúa thuê, vì vậy bà cấy lúa rất nhanh. Cứ 5 giờ sáng là đã ra đồng, mang theo cơm và nước uống, đến 10 giờ sáng là cấy xong 500m2. Tiền công khoảng 200.000 đồng. “Hiện nay gia đình cũng không có việc gì làm, nên tôi đợi đến khi cấy là làm liền để tăng thu nhập. Công việc đồng áng tuy có cực nhưng vui lắm”, bà Hon vui vẻ cho biết.
Hiện nay, lúa Tài nguyên luôn có giá bán ổn định ở mức 6.500 - 7.500 đồng/kg, năng suất đạt từ 7-8 tấn/ha. Gạo Tài Nguyên khi nấu chín có đặc tính xốp và mềm. Ở huyện Thạnh Trị, lúa Tài Nguyên được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, đạt tiêu chuẩn VietGAP, được đăng ký nhãn hiệu mang tên “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Hàng năm, huyện quy hoạch trồng khoảng 7.000ha, tập trung tại xã Châu Hưng, thị trấn Hưng Lợi và một phần các xã Tuân Tức, Thạnh Trị...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn