MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những bàn tay "đen" chật vật kiếm sống giữa nắng hè 40 độ

Hà Hoan LDO | 09/05/2018 16:01

Xóm lao động dưới chân cầu Long Biên vào cuối chiều xôn xao được một lúc nhờ tiếng cười nói huyên náo của nhóm người đi làm về. Ai nấy đều đã bắt đầu nghỉ ngơi, duy chỉ có xưởng than của gia đình anh Trần Văn Tiến vẫn nguyên nhịp độ sản xuất, anh tâm sự: “Nhà tôi làm theo đơn đặt hàng, hết đơn thì mới nghỉ được”.

Xóm lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên có khá nhiều xưởng sản xuất than nhỏ lẻ, gia đình anh Trần Văn Tiến là một điển hình.
Cách đây ba năm, chân ướt chân ráo lên Hà Nội, anh Tiến khởi nghiệp bắt đầu từ việc mở cho mình một xưởng than nhỏ. Xưởng than xập xệ, mưa nắng đều tới mặt nhưng lại là nguồn sống chủ yếu của gia đình anh và cả những người thợ trong đó.
Than tổ ong là nhu cầu quen thuộc của nhiều hộ gia đình ở Việt Nam, trong đó, than đen và than trắng là hai loại được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để làm thành than tổ ong, người ta đem trộn các nguyên liệu gồm than bùn, than cám, một ít đất và một ít nước vào với nhau, rồi đưa vào máy đóng thành viên. Cụ thể, hai nguyên liệu chính là than bùn và than cám được nhập về từ Quảng Ninh qua đường sông.
Chia sẻ về công việc của mình, anh Tiến nói: “Thời tiết nắng nóng thế này làm than cũng dễ hơn, nhưng bán đi thì vẫn khó khăn so với trước. Bây giờ giá điện, gas rẻ, thành ra người ta ít dùng than tổ ong, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng thôi”.
“Cực nhất là công đoạn xuất than, vừa phải làm nhanh, vừa phải liền tay không được nghỉ ngơi”. Anh Tiến còn kể thêm, để có được tay nghề như ngày hôm nay, trước đó anh cũng đã phải đi làm thuê khá nhiều nơi, tích lũy kinh nghiệm từ từ.
Công việc tuy không phức tạp nhưng lại nhiều bất trắc, nhất là những khi thời tiết không ủng hộ lòng người. Tháng 5, có khi trời đang nóng hừng hực như đổ lửa lại bất chợt đổ mưa. Mẻ than phơi chưa kịp cất ngấm nước, hỏng hết. Một viên lời lãi có là bao, ngày hôm đấy coi như lỗ vốn.
Than sau khi phơi khô sẽ được đem đi nhập cho các mối ở vùng lân cận hoặc có người đến tận xưởng thu mua. Một ngày trung bình xưởng anh sản xuất được 2000 viên, mỗi viên giá 2.500 đồng, than trắng giá có nhỉnh hơn chút ít so với than đen.
Đứa con trai đầu của anh Tiến – em Trần Quang Nguyên 16 tuổi sớm phải lao động cùng bố kiếm tiền.
 
Nguyên lúc nào chân tay cũng lấm lem, cậu bé tâm sự: “Em ít có thời gian đi chơi cùng bạn bè, thời gian rảnh em lại ở nhà phụ giúp bố, hi vọng tương lai gia đình em sẽ đỡ vất vả hơn”.
Những người lao động như anh Tiến phải làm việc trong môi trường độc hại, đe dọa đến sức khỏe. Biết vậy nhưng họ không thể dừng lại vì gánh nặng mưu sinh đặt trên vai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn