MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Suối Giàng là vùng đất của những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi được coi là chè thuỷ tổ của thế giới. Ảnh: Văn Đức.

Những cây chè cổ “vượt thời gian” trên đỉnh Suối Giàng

Văn Đức LDO | 01/03/2022 14:00

Yên Bái – Những cây chè cổ hàng trăm năm tuổi tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn mang giá trị kinh tế lớn và thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan.

Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái nằm trên độ cao gần 1.400m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm.
Đây là vùng đất nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt là cây chè trên 300 năm tuổi, được xếp vào 1 trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới.
Năm 2016, quần thể 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại đây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cộng nhận là cây di sản Việt Nam.
Mặc dù không chỉ ở Suối Giàng có những cây chè cổ thụ nhưng nếu xét về số lượng và năm tuổi thì có lẽ không đâu sánh được với nơi đây.
Cây chè Suối Giàng có lá to, dày và có màu xanh đậm, sẫm, búp chè to mập mạp, trên mặt lá có phủ một lớp lông tơ mỏng. Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch.
Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp vào hàng “đầu bảng” các loại chè ở Việt Nam. Được bà con nơi đây gọi là chè “ngũ cực”. Đó là “cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - vì những điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm sóc; “cực hiếm” - vì sản lượng ít; “cực ngon” - với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có như hương thơm, vị đậm, nước xanh và  cuối cùng là "cực đắt”.
Chè Shan tuyết Suối Giàng khi bán ra thị trường có giá dao động từ 150.000 đến 650.000đ/kg, loại ngon khoảng 3 triệu đồng/kg, cũng có loại đến 10 triệu, 20 triệu đồng/kg.
Tuy vậy, theo năm tháng những cây chè cổ thụ nơi đây đang có dấu hiệu cằn cỗi, mối, mục khiến nhiều cây đã bị chết.
Đặc biệt, cây chè tổ cũng đang có hiện tượng bị khô cành và dần bị chết. Hiện tại, một nửa số cành của “cụ” chè này đã bị khô héo, trơ cành, khó có thể cứu chữa.
Trao đổi với PV, ông Mùa A Giàng – Phó chủ tịch xã Suối Giàng cho biết: “Đã có nhiều đoàn khoa học về nghiên cứu loại bệnh trên chè Shan tuyết Suối Giàng nhưng chưa có giải pháp nào được áp dụng. Trong thời gian tới, địa phương cố gắng tìm ra nguồn gốc bệnh và giữ được diện tích chè cổ còn lại”.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn