MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu vượt ở nút giao thông Cát Lái. Ảnh: Hữu Chánh

Những công trình nghìn tỉ đồng trên đường Võ Nguyên Giáp vừa mới đổi tên

HỮU CHÁNH LDO | 14/07/2023 10:13

Nhiều công trình giao thông trọng điểm được xây dựng trên đoạn đường Võ Nguyên Giáp vừa mới được đổi tên. Các công trình giao thông trọng điểm này góp phần thúc đẩy giao thông ở cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh phát triển.

Xa lộ Hà Nội ở cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh, dài hơn 15 km, từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Trạm 2, nối vào Quốc lộ 1 kết nối trực tiếp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Mới đây, một đoạn Xa lộ Hà Nội dài gần 8 km từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp.
Trong những năm qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được xây dựng và hoàn thiện trên tuyến đường này, góp phần thúc đẩy phát triển giao thông ở cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh. Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội khởi công tháng 4.2010 với chiều dài 15,7 km từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn thuộc TP Dĩ An (Bình Dương), trong đó có 8 km nay là đường Võ Nguyên Giáp. Tổng mức đầu tư theo quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án năm 2016 là 4.900 tỉ đồng. Trong ảnh là đoạn đường Võ Nguyên Giáp được mở rộng, bắt đầu từ cầu Sài Gòn chạy qua TP Thủ Đức.
Cầu Sài Gòn nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức) xây dựng từ năm 1958, dài 986 m. Năm 2012, cầu Sài Gòn 2 xây song song ngay cạnh cầu cũ với tổng mức đầu tư là 1.500 tỉ đồng, là một phần của dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội. Cầu mới hoàn thành sau 18 tháng thi công đã giải quyết điểm nghẽn ở cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh.
Cách cầu Sài Gòn khoảng 2,5 km là đoạn nút giao thông ngã ba Cát Lái, đoạn giao giữa hai trục đường Võ Nguyên Giáp và Mai Chí Thọ. Đây là tuyến đường quan trọng bậc nhất khu vực cửa ngõ phía Đông nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Bắc.
Cầu vượt ở nút giao thông Cát Lái đưa vào sử dụng từ tháng 8.2010. Công trình với hai cầu từ cảng Cát Lái rẽ trái về trung tâm TP Hồ Chí Minh, một cầu hướng từ TP Thủ Đức rẽ trái về cảng Cát Lái, hầm Thủ Thiêm và 7 nhánh đường phía dưới.
Cách nút giao Cát Lái 1 km là cầu Rạch Chiếc với tổng chiều dài công trình là 735,8 m, trong đó phần cầu dài 295 m.
Cầu Rạch Chiếc thiết kế 10 làn xe trên ba nhánh cầu riêng biệt, xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành sau 3 năm, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông.
Song song với đường Võ Nguyên Giáp và dọc tuyến Xa lộ Hà Nội, dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng đang dần hoàn thiện.
Tuyến đường sắt đô thị này dự kiến hoàn thành trong năm nay và khai thác thương mại đầu năm 2024, góp phần thúc đẩy giao thông cửa ngõ phía Đông thành phố phát triển.
Điểm cuối của đường Võ Nguyên Giáp ở ngã tư Thủ Đức.
Đường Võ Nguyên Giáp là tuyến giao thông chính của người dân TP Thủ Đức vào trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Rất nhiều dự án bất động sản được xây dựng song song trục đường lớn này.
Bảng tên Xa lộ Hà Nội sẽ được đổi thành Võ Nguyên Giáp. Việc chọn tên đường Võ Nguyên Giáp nhằm ghi nhận công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn