MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những địa danh "mất trắng" của TPHCM bây giờ ra sao?

Anh Tú - Đình Trường LDO | 19/02/2020 07:30

Từng một thời là những biểu tượng lừng lẫy của TPHCM, song hàng loạt các địa danh có tuổi đời cả trăm năm nay chỉ còn trong hoài niệm. Trên nền móng của công trình cũ, những đại dự án đang mọc lên phục vụ cho sự đổi thay, lột xác của thành phố này trong thời đại mới. 

Vòng xoay Quách Thị Trang là địa danh lâu đời, gắn liền trong tâm trí của nhiều thế hệ người dân TPHCM. Nơi đây là vị trí từng đặt bức tượng Trần Nguyên Hãn và tượng liệt nữ Quách Thị Trang. (Ảnh tư liệu)
 Từ năm 2017, khu vực vòng xoay được lập rào chắn để xây dựng nhà ga ngầm thuộc tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên. Trong tương lai, theo quy hoạch, khu vực này sẽ trở thành một quảng trường công cộng.
Từng được mệnh danh là “vườn treo” trong lòng TPHCM, công viên Chi Lăng là một mảng xanh đáng giá của người dân nơi đây giữa đô thị phồn hoa. Nằm ở góc đường Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn, công viên được xây dựng từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước. (Ảnh tư liệu)
Ngày nay, phần lớn diện tích công viên Chi Lăng cũ đã bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình trung tâm thương mại, dịch vụ.
Quán cafe Givral được mở ra từ năm 1940, nằm trên đường Đồng Khởi, đối diện Nhà hát Thành phố. Thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, đây là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều ký giả, học giả, nhà quan sát trong và ngoài nước. Đặc biệt, quán là nơi nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn thường xuyên lui tới. (Ảnh tư liệu)
Từ năm 2010, quán đóng cửa, nhường chỗ để xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ.

Thương xá Tax trước đây là một trong những công trình kiến trúc, văn hoá tiêu biểu của TPHCM. Được xây dựng từ năm 1880, thương xá Tax đã gắn bó hơn 130 năm thăng trầm với vùng đất này. Đây là trung tâm buôn bán sầm uất với phong phú các mặt hàng từ xa xỉ phẩm đến thủ công, mỹ nghệ, may mặc,… (Ảnh tư liệu) 
Tháng 10.2016, Thương xá Tax được tháo dỡ toàn bộ để xây tổ hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng mới. Dự án dự kiến cao 40 tầng. Theo đó, 6 tầng ngầm của tòa nhà mới sẽ nối thông với tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Những tầng đế của toà nhà sẽ được xây giật cấp, theo hướng bảo tồn thiết kế nguyên thuỷ của Thương xá Tax. 

Cầu sắt trong Thảo Cầm Viên, còn được biết đến với tên gọi Cầu Thị Nghè (cũ), đây là một trong những cây cầu gắn với lịch sử của Sài Gòn xưa. Cây cầu bắc qua rạch Thị Nghè, nằm phía sau Thảo Cầm Viên, nối quận 1 và quận Bình Thạnh. (Ảnh tư liệu)
Qua thời gian, cầu Thị Nghè xuống cấp trầm trọng nên đã bị tháo dỡ.
Cầu Nhị Thiên Đường xây dựng năm 1925 là một địa danh lịch sử của TPHCM. Nơi đây từng chứng kiến nhiều cuộc tranh đấu gian lao để giành độc lập, thống nhất trong lịch sử dân tộc. Thuộc địa phận quận 8, TPHCM, cầu Nhị Thiên Đường là cửa ngõ kết nối vùng Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây thông qua quốc lộ 50. (Ảnh tư liệu)
Năm 2017, dự án nâng cấp tu sửa cầu Nhị Thiên Đường được tiến hành. Thiết kế, màu sắc các trụ đèn là một số ít chi tiết còn được giữ lại đến hôm nay.
Cầu Ba Cẳng nằm ở góc đường Bãi Sậy (xưa là nhánh kênh Hàng Bàng, quận 6). Theo các nhà nghiên cứu, Cầu Ba Cẳng thời đó có thiết kế độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Cầu được xây từ thời Pháp thuộc, là lối đi bộ của dân địa phương để đi sang chợ Kim Biên liền kề. Theo lời kể người dân, cầu bị sập vào năm 1990. (Ảnh tư liệu)
Đây là nơi từng toạ lạc cây Cầu Ba Cẳng, hiện nhà cửa đã mọc lên san sát và không còn vết tích của công trình này.
Nhà đèn Chợ Quán được xây dựng vào năm 1922. Đây là nhà máy điện quan trọng của TPHCM thời kỳ trước 1975. Công trình này từng được coi là một biểu tượng của kỹ nghệ nhiệt điện Pháp, một trong số ít những công trình tân tiến của nền công nghiệp phương Tây ở xứ Đông Dương. (Ảnh tư liệu)
Sau năm 1975, nhà đèn hoạt động dưới sự quản lý của Công ty điện TPHCM. Đến năm 2008, công trình này chính thức ngừng hoạt động. Hiện nay khu vực nhà đèn Chợ Quán, cạnh đại lộ Võ Văn Kiệt được quy hoạch thành khu phức hợp văn phòng trung tâm thương mại, khách sạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn