MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những địa điểm tâm linh cầu an đầu năm mới

Hải Nguyễn LDO | 20/01/2023 06:00

Vào dịp năm mới, người dân đi lễ chùa cầu an cho gia đình, người thân gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Đây là một nét đẹp văn hoá của người Việt. Ở Hà Nội những nơi như chùa Hương, chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, phủ Tây Hồ luôn tấp nập du khách viếng thăm dịp đầu năm.

Đầu năm đi lễ chùa, không thể không nhắc đến khu di tích chùa Hương. Chùa Hương còn có tên gọi khác là chùa Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức. Nơi đây là một quần thể di tích tâm linh với nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Lễ hội kéo dài trong 3 tháng, nhưng thời điểm được nhiều du khách khắp đất nước đến tham quan chính là vào những ngày từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng chạp âm lịch.
Chùa Quán Sứ nằm trên phố Quán Sứ từ lâu đã nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh. Ngoài ra đây còn là trụ sở của giáo hội Phật giáo Việt Nam, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của giáo hội.
Trong những ngày đầu năm mới, rất đông người dân, Phật tử về đây để đi lễ cầu mong mình và gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. Chùa Quán Sứ cũng là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ.
Được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế, với tuổi đời hơn 1.500 năm, chùa Trấn Quốc được bình chọn là một trong 16 ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới. Chùa toạ lạc trên hòn đảo duy nhất của hồ Tây trên đường Thanh Niên, tạo nên cảnh quan phong thủy hữu tình. Nổi tiếng linh thiêng, là danh thắng bậc nhất đất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa kia thường là nơi để các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Ngày đầu năm, ngôi chùa này luôn tấp nập những du khách, phật tử đến lễ chùa và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình mình.

Đền Quán Thánh, còn được gọi là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn giữ cửa ngõ phía Bắc thành Thăng Long xưa.
Đền có lịch sử lâu đời, là một trong “Thăng Long tứ trấn” của đất kinh kỳ xưa. Nơi đây sở hữu pho tượng đồng kiệt tác của nghề đúc đồng làng Ngũ Xã.
Phủ Tây Hồ thờ chúa Liễu Hạnh thu hút du không chỉ những người dân Hà Nội, mà cả những du khách thập phương đến vãn cảnh, cầu an.
Tục truyền rằng chúa Liễu Hạnh là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý nên bị đày xuống trần gian và dừng chân tại Tây Hồ. Đến triều Nguyễn, bà được nhà vua phong “mẫu nghi thiên hạ”, là một trong bốn vị thần “Tứ bất tử” của văn hoá tín ngưỡng Việt Nam.
Tương truyền, Chùa Hà được vua Lê Thánh Tông xây dựng để tưởng nhớ các đại thần như Nguyễn Trãi, Đinh Liệt,... đã giúp đỡ mình lên ngôi vua. Dân gian thường nhắc “tới chùa Hà lẻ bóng nhưng khi về lại có đôi”. Cũng chính vì lẽ đó mà rất nhiều bạn trẻ đã tới đây dâng hương cầu duyên và trở thành điểm đến tham quan thu hút du khách của Hà Nội, đặc biệt là vào dịp lễ tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn