MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những điều thú vị về chiếc ghe Ngo nặng 3,5 tấn của đồng bào Khmer

PHƯƠNG ANH LDO | 23/11/2023 16:19

Ghe Ngo là một vật quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Mỗi chi tiết trên ghe đều có biểu trưng riêng. Đặc biệt đua ghe Ngo đã trở thành lễ hội mang tính cộng đồng sâu sắc.

Đua ghe Ngo là phần hấp dẫn nhất trong Lễ hội Oóc - Om - Bóc hằng năm của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng, Nam Bộ nói chung nhằm cầu mưa thuận, gió hòa và mùa màng tươi tốt.
Ghe Ngo tiếng Khmer gọi là Tuk Ngô, trước đây là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây sao. Ngày nay, việc tìm cây vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván ghép lại nhau.
Ghe Ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 27 - 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong và thấp hơn sau lái.
Ghe Ngo có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1,2m, làm băng ngồi vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Ghe có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ, tùy theo từng vị trí người bơi. Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, các đội còn dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe - còn gọi là cần câu. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước.
Trên thân ghe sơn bằng nhiều màu sắc sặc sỡ, hình tượng vẩy rồng, rắn theo mô tuýp rắn thần Nagar và các loại hoa văn truyền thống, biểu tượng khác trong văn hóa Khmer. Tùy vào mỗi chùa sẽ chọn các biểu tượng, hoa văn khác nhau. Người trang trí hoa văn là những nghệ nhân tài hoa những cũng có khi là các vị sư hay thanh niên trong bổn sóc.
Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam bộ.
Trước khi đến với hội đua, các chùa có đội ghe tham gia đều tổ chức một nghi thức hạ thủy ghe Ngo.
Hầu hết hiện nay việc mang ghe hạ thủy đều dùng sức người là chính. Sau các nghi thức cúng bái, các vận động viên, thanh niên, trai tráng phum sóc cùng nhau vác ghe đi bộ đến sông để hạ thủy.
Việc hạ thủy ghe Ngo là một sự kiện đặc biệt. Vào buổi lễ các cư dân của phum sóc cũng tề tựu đông đảo đến xem, vừa góp phần cổ vũ tinh thần cho các tay chèo phum sóc, vừa cầu mong sự bình an, sức mạnh từ vị thần bảo hộ cho bản thân họ thông qua buổi lễ.
Những chùa có điều kiện sẽ hạ thủy 1 ghe Ngo để tập dợt trước, gần đến ngày tranh tài sẽ hạ thủy ghe đua chính thức.
Đua ghe Ngo là được đông đảo bà con yêu thích rất nhiều người ngay cả những buổi tập đều thu hút rất đông người đến xem.
Trước đây do quan niệm truyền thống nên chỉ có thanh niên, trang trái mới được tham gia đua ghe. Khoảng 10 năm nay, các chị em phụ nữ cũng góp vui vào ngày hội.
Hiện nay, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, Trà Vinh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến xem.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn