MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những gốc nghiến nghìn năm tuổi giữa rừng già Na Hang

Nguyễn Tùng LDO | 18/04/2023 09:16
Tuyên Quang - Những gốc nghiến cổ thụ có tuổi đời trăm năm, thậm chí nghìn năm giữa lõi rừng già Na Hang vẫn đang được bảo vệ nghiêm ngặt...
Giữa lõi khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung có một khu vực rất đặc biệt, nơi còn giữ được quần thể những cây gỗ nghiến cổ thụ trong đó tập trung chủ yếu tại xã Khâu Tinh và xã Thanh Tương (huyện Na Hang). 
Ông Lê Hồng Binh từng là Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, nay về hưu do quá yêu rừng đã xin làm nhân viên tuần rừng tại Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng. Ông Binh cho hay, nghiến chỉ mọc trên núi đá vôi, phân bố nhiều trên các sườn núi thuộc họ cẩm quỳ, nhìn cọc cằn thế nhưng chúng có sức sống thực sự mãnh liệt dẻo dai vô cùng. 
Do đặc thù của loài cây này chỉ sống trên tầng núi đá vôi nên đã tạo cho chúng những bộ rễ khủng bám chặt vào vách đá. Cây nghiến non bằng bắp đùi đã có mấy chục năm tuổi, vậy những cây đường kính 2 - 3 m, cao đến 30 - 35 m thì chắc chắn phải trên nghìn năm tuổi. Hiện chưa ai xác định chính xác tuổi của cây nghiến sống thọ được bao nhiêu năm. 
Gỗ nghiến được xếp vào gỗ quý nhóm 2A, chúng có độ cứng cao, 1m3 gỗ nghiến có trọng lượng khoảng 1 tấn nếu dùng làm đồ nội thất trang trí sẽ cho tuổi thọ cao. Chính vì những đặc điểm nổi bật trên mà cây nghiến thường là đối tượng bị lâm tặc săn lùng, để ý tới. Vấn đề bảo vệ quần thể nghiến nghìn tuổi ở Na Hang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 
Hiện nay, Hạt Kiểm lâm Na Hang luôn thường trực hơn 100 cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng rải đều ở 8 trạm kiểm lâm, 25 chốt bảo vệ rừng để kiểm soát chặt trên 21.000 ha rừng đặc dụng, nhất là những quần thể gỗ nghiến lớn. 
Ở Na Hang vẫn có những thôn bản người dân dân sống ngay trong lõi rừng già như Bản Bung (xã Thanh Tương) với những nếp nhà sàn nằm ngay mép ruộng lúa trải dài tới chân những cánh rừng nguyên sinh. Cuộc sống của con người nơi đây rất gần gũi và gắn bó mật thiết với rừng. 
Đồng bào vẫn truyền tai và dạy bảo con cháu qua nhiều đời đó là: “Tuyệt đối không xâm phạm đến rừng, chung sống được với rừng thì cũng chính là bảo vệ cho cuộc sống của thế hệ tương lai“. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn