MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những hình ảnh chỉ có ở trường bán trú vùng cao

Duy Hiệu LDO | 11/03/2019 13:23

Trường học bán trú là mô hình ra đời dành riêng cho các em học sinh gia đình dân tộc ở những vùng xa có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Gần 3 năm hoạt động, trường tiểu học Mường Toong số 1 (Mường Nhé, Điện Biên) là nơi ăn, ngủ, sinh hoạt của hơn 300 em học sinh, tạo nên một cuộc sống bán trú tập thể tuy chưa đầy đủ về vật chất, nhưng lại mang nhiều điều thú vị. 

Nằm trên địa bàn huyện Mường Nhé (Điện Biên) – huyện biên giới cực Tây của tổ quốc, các em học sinh của trường Tiểu học Mường Toong số 1 hầu hết đều là người dân tộc thiểu số. Có đến 70% là người Mông, còn lại là người Thái, Dao, Hoa .. đặc biệt có 2 em học sinh người Cống, dân tộc rất ít người ở Việt Nam.
Có tất cả 325 học sinh ở nội trú, trường Tiểu học Mường Toong là một trong số những trường có số lượng học sinh nội trú đông nhất trong cả huyện. Các em sẽ ăn uống, sinh hoạt, ngủ lại trường từ thứ thứ 2 đến hết thứ 6, chỉ cuối tuần mới về với gia đình.
Em Vàng Thị Hoa, đang học lớp 4E, là một trong số những học sinh bán trú của bản Huổi Đanh. Vì lớp 1 và lớp 2 còn quá nhỏ để sống xa gia đình nên các học sinh từ lớp 3 trở lên mới được nhà trường sắp xếp cho ở bán trú. Mô hình bán trú tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục vùng cao, tỷ lệ chuyên cần đến lớp cao, các thầy cô ít phải đi vận động các em đi học.
Học sinh ở đây sẽ được thầy cô chăm lo cho ba bữa ăn mỗi ngày, sáng ăn mì tôm, bánh mì, trưa và tối luôn có cơm, thịt và rau thay đổi tùy vào mỗi ngày. Trước mỗi bữa cơm, những học sinh lớp lớn sẽ cùng thầy cô chuẩn bị bữa đầy đủ cơm, thức ăn vào từng khay cho các bạn.
Giây phút nghỉ ngơi sau những giờ học trên lớp của các cô bé phòng ở bán trú số 16. Học xa nhà, một số ít em được bố mẹ cho đem điện thoại đến trường để liên lạc.
Mọi công việc cá nhân từ thức dậy, ăn cơm, tắm giặt đều theo giờ giấc quy định. Khoảng thời gian sau buổi học chiều là lúc các em đi tắm theo từng nhóm, tiếng dội nước xối xả cùng tiếng cười nói tạo nên một bầu không khí tấp nập, ồn ào.
Điều đặc biệt ở đây có lẽ là tính cách tự lập của mỗi học sinh, dù mới 8,9 tuổi nhưng các em đã tự mình làm các công việc vệ sinh cá nhân. Theo chia sẻ của cô Hồng – Hiệu trưởng nhà trường, khoảng thời gian đầu khi mới xuống trường, các em được hướng dẫn sinh hoạt, vệ sinh có nề nếp. Sau đó, các em thích nghi rất nhanh với cuộc sống bán trú.
Cùng với hai buổi học sáng và chiều như tất cả các học sinh trong trường, buổi tối, những em ở bán trú vẫn phải lên lớp học bài, thời gian học bài buổi tối cũng quy củ như những buổi học ban ngày, dưới sự kèm cặp của hai thầy cô.
Thời gian học cùng nhau trên lớp đã nhiều, những đứa trẻ ở bán trú lại được ăn ngủ, chơi với nhau. Tuy phải sống xa bố mẹ nhưng bù lại, chúng lại có thêm những quãng thời gian vui đùa bên bạn bè. Cũng như những trường học vùng cao khác, dù cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt chưa đủ tốt nhưng những đứa trẻ lại có được một cuộc sống tự lập, phóng khoáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn