MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những hình ảnh “đi vào lịch sử” ở miền Tây giữa đại dịch COVID-19

Nhóm PV LDO | 01/08/2021 09:24

Dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nhưng đến nay, dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát tại 19 tỉnh thành phía Nam. Ngoài những tác động nặng nề đến sức khỏe người dân và kinh tế, dịch COVID-19 đã gây xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội. Anh Lê Văn Vũ (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) nói: “Rồi đây, chúng ta sẽ kể cho con cháu nghe về những câu chuyện, hình ảnh được xem là lịch sử".

Ngày 10.7.2021, một sạp hàng bán bún đã bị phong toả, các điểm chốt thực hiện test nhanh được thành lập tại khu chợ đầu mối Tân An (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Đến 16h cùng ngày, lực lượng chức năng chốt chặn nhiều lối đi vào chợ. Hai người dân ở chợ đầu mối Tân An (TP Cần Thơ) cách nhau một hàng rào sắt khi lực lượng chức năng chốt chặn, nhưng khoảng cách giữa họ như dài vô định.
Giữa thời buổi mà mọi thứ đang phát triển đến chóng mặt, không ai nghĩ rằng sẽ có những ngày nhịp sống trở nên vắng lặng. Từ 0 giờ ngày 19.7, tất cả 19 tỉnh, thành phía Nam đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Đến nay, nhiều địa phương đã tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 ở mức độ cao hơn. Giữa bối cảnh nguồn vaccine chưa đủ cung ứng, thì việc hạn chế người dân ra đường, tránh tiếp xúc, được xem là giải pháp hiệu quả nhất để ngăn dịch bệnh lây lan.
Phố xá vắng hoe, nhà nhà đóng cửa,… là hình ảnh xuất hiện khắp mọi nơi. Những tuyến đường, quốc lộ, giao lộ vốn là điểm nóng ùn tắc giao thông mỗi ngày, giờ cũng không có bóng người. Bà Nguyễn Thị Bích Vân (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết: “Tôi sống hơn 70 năm, chưa bao giờ thấy thành phố tĩnh lặng như thế này”. Trong ảnh: Đường phố ở Cần Thơ trong những ngày giãn cách xã hội.
Vùng Tây Nam Bộ đang phát triển mạnh mẽ với các hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao thương diễn ra sầm uất suốt ngày đêm. Nhưng giờ đây, việc đi lại giữa các nơi bị hạn chế tối đa. Hàng trăm chốt kiểm soát được lập để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã buộc phải cho dừng hoạt động các chợ truyền thống. Từ đây, lần đầu tiên mô hình “mang chợ ra phố” đã xuất hiện. Ở đó, kẻ bán, người mua đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ và tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K về phòng dịch.
Tiêm vaccine được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để phòng dịch COVID-19. Và các tỉnh, thành ĐBSCL đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine lớn chưa từng có trong lịch sử. Tại Cần Thơ, từ giờ đến cuối năm sẽ được phân bổ tổng số 1,76 triệu liều, để tiêm cho gần 1 triệu dân. Còn tỉnh Tiền Giang đến nay đã tiêm 42.221 liều vaccine cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5 với hơn 87.000 liều. Tỉnh này vừa được phân bổ hơn 50.000 liều để chuẩn bị tiêm đợt 6 cho người dân.
Dịp Tết thiếu nhi 1.6 vừa qua, tại ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đã xuất hiện những hình ảnh khác lạ. Khu vực này bị phong tỏa do là nơi sinh sống của bệnh nhân mắc COVID-19. Chiều ngày 1.6, Đoàn công tác đến chúc mừng Quốc tế Thiếu nhi cho 65 cháu trong khu cách ly, nhưng không ai được phép vào trong để gặp mặt, chúc mừng các cháu. Mọi người để các phần quà dọc trên con đường nông thôn, sau đó, các cháu sẽ đến nhận, và không ai gặp ai.
Khi dịch bệnh bùng phát, đội ngũ cán bộ y tế phải xa gia đình, sẵn sàng lên tuyến đầu chống dịch. Đã có trường hợp trong số họ bị lây nhiễm khi điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng họ chưa bao giờ sợ hãi hoặc nản lòng. Tại Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, bác sĩ CKII Phan Thị Phụng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU) dù đã chính thức nghỉ hưu, nhưng vẫn xin được ở lại để tham gia chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Bức họa của họa sĩ Nguyễn Trần Việt Khang cổ vũ tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện trong cuộc chiến chống COVID-19.
Giữa tâm dịch COVID-19, hàng triệu tấm lòng của đồng bào miền Tây lại hướng về nhau. Những bếp ăn đỏ lửa suốt ngày đêm để san sẻ cho người bất hạnh. Có người vốn là hộ nghèo, những vẫn dành lại túi gạo, bó rau,… để giúp đỡ những người đang khó hơn hơn mình. Chưa bao giờ, sự ấm áp của tình người lại được lan tỏa như lúc này.
Nhận được những phần quà hỗ trợ, người nghèo đã bật khóc.
Cũng có người rạng rỡ nụ cười trên môi với niềm tin mãnh liệt rằng: “Đất nước ngày mai sẽ đẩy lùi dịch bệnh“.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn